Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 2001) là sinh viên có điểm học tập và rèn luyện cao nhất ngành Kỹ thuật Hoá học của ĐH Bách khoa Hà Nội trong đợt tốt nghiệp sớm năm nay. Trước khi nhận tấm bằng Xuất sắc, Hằng đã được một giáo sư tại Hàn Quốc đề nghị nhận vào học tiếp lên bậc thạc sĩ. Những kết quả này đều là điều nữ sinh quê Quỳnh Lưu (Nghệ An) chưa từng nghĩ tới khi vừa bước chân vào trường.
Là đứa trẻ sinh ra ở miền biển, từng chứng kiến sự vất vả của mẹ khi bám đồng sản xuất muối và nỗi canh cánh lo trước mỗi chuyến đi biển của bố, từ nhỏ, gia đình đã trở thành động lực to lớn nhất để Hằng cố gắng. Đến năm 2019, em thi đỗ vào ngành Kỹ thuật Hoá học của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Lần đầu xa nhà đến thành phố học tập, nữ sinh cảm thấy ngợp và bơ vơ khi không có ai thân quen. Trong suốt 2 tháng đầu tiên, Hằng chật vật để làm quen với ngôi trường mới. “Em liên tục tìm kiếm cơ hội để được giao tiếp, kết bạn. Thời điểm tham gia vào đội tình nguyện của trường, em bắt đầu gặp được những người bạn có chung sở thích, đam mê, nhờ vậy dần vơi đi cảm giác bơ vơ, lạc lõng”, Hằng nhớ lại.
Dẫu vậy, nữ sinh vẫn chưa thoát khỏi sự tự ti “mình không giỏi bằng các bạn”. Thời điểm đó, lớp của Hằng có nhiều bạn từng đoạt giải học sinh giỏi quốc gia từ thời phổ thông, thậm chí có bạn “giỏi toàn diện” ở nhiều khía cạnh.
“Em thấy những điều mình biết còn quá hạn chế. Khi đặt bản thân vào môi trường rộng lớn, em nhận ra mình thật nhỏ bé”.
Nhưng nếu cứ tự ti, bản thân vẫn chỉ dậm chân tại chỗ, Hằng quyết tâm tìm cách “lấp đầy” những điều thiếu sót.
“Trong quá trình tham gia đội sinh viên tình nguyện, em có quen một người bạn được xem là “idol Bách khoa” do có thành tích học tập cao ngay từ năm nhất. Em kiên trì học hỏi từ bạn và được bạn chia sẻ khá nhiều về cách học”. Từ đó, Hằng bắt đầu đặt mục tiêu xa hơn là tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi.
Năm nhất ở Bách khoa vốn có các môn đại cương khó với giáo trình dày nổi tiếng. Trong một buổi, có những khi thầy cô dạy hết cả 2-3 chương sách. Ngoài ra, các kỳ thi của Bách khoa cũng là “nỗi ám ảnh” với nhiều sinh viên, nhất là ở các môn vấn đáp.
“Chẳng hạn, nội dung các môn thiên về lý thuyết thường rất rộng, thầy cô lại có thể hỏi bất kỳ điều gì xoay quanh. Vì thế, muốn được điểm cao cần phải nỗ lực cày cuốc. Việc học vất vả nhưng bù lại em cũng học được rất nhiều điều”, Hằng nói.
Để bắt kịp với tốc độ và lượng kiến thức khổng lồ, Hằng luôn cố gắng đọc kỹ lý thuyết và làm thử một số bài tập trước khi lên lớp. Có những kiến thức ban đầu chưa hiểu ngay, nhưng sau khi nghe thầy cô giảng trên lớp lại rất “thấm”.
Hằng cũng cố gắng dành nhiều thời gian lên thư viện nhất có thể thay vì “cày đêm”. “Đều đặn mỗi ngày, em sẽ lên thư viện ít nhất khoảng 2 tiếng, nhưng phần lớn vẫn trên 4 tiếng sau giờ học. Đây giống như một kho tàng tư liệu em có thể tìm hiểu thêm để mở rộng kiến thức, nhờ thế mỗi khi đi thi em không cảm thấy khó nhằn hay “ngợp” nữa”.
Từ cảm thấy mông lung không biết bắt đầu từ đâu, trong học kỳ đầu tiên, Hằng đã giành được học bổng loại A của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sang năm thứ 2, nữ sinh bắt đầu được tiếp xúc với các môn cơ sở ngành như Hoá công, Hoá Lý hay một số môn liên quan đến Đồ hoạ, Kỹ thuật điện. Đánh giá đây là những môn khó nhằn và khô khan, nhưng đổi lại, Hằng nhận thấy sinh viên sẽ được đào tạo toàn diện và trang bị thêm nhiều kỹ năng để làm đa dạng ngành sau khi tốt nghiệp.
“Em luôn cố gắng không xem nhẹ bất cứ môn học nào, dẫu đôi lúc cũng thấy quá tải và mệt mỏi”.
Ngoài thời gian này, Hằng còn tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để nắm được các khâu đoạn cơ bản như từng bước làm thí nghiệm hay cách cân lượng mẫu chuẩn. Nhờ những kỹ năng này, nữ sinh từng đoạt giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện tại, Hằng vẫn đang trong quá trình hoàn thành một bài báo để nộp cho tạp chí quốc tế.
Là người hướng dẫn đồ án tốt nghiệp của Hằng và cũng hướng dẫn nữ sinh tại nhóm nghiên cứu trong suốt 3 năm, PGS.TS Phạm Thanh Huyền, giảng viên Trường Hóa và Khoa học Sự sống đánh giá Hằng là người chủ động, cầu thị và khiêm tốn.
“Hằng tốt nghiệp sớm một kỳ và có điểm số cao nhất trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đợt này. Khi chưa tốt nghiệp, Hằng đã được một giáo sư bên Hàn nhận để học tiếp lên thạc sĩ. Đây là thành tích khá tốt với một sinh viên”, PGS Huyền nhận xét.
Sau khi tốt nghiệp Xuất sắc tại Bách khoa, nữ sinh Nghệ An được nhiều doanh nghiệp chào đón. Tuy nhiên, Hằng lựa chọn trở thành kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại một ngôi trường quốc tế ở Hà Nội, đồng thời hỗ trợ giảng dạy các môn STEM bằng tiếng Anh.
Hài lòng với công việc này nhưng Hằng cho biết nếu có cơ hội, em vẫn muốn tiếp tục học lên cao hơn trong môi trường quốc tế, sau đó trở về làm việc trong ngành giáo dục.