Song song đó, TS. Nhật Hoa duy trì triết lý “học thật, thi thật” từ nền tảng khoa học vững chắc của nhà sáng lập, cũng là bà nội cô - GS.TSKH - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính và quan điểm giáo dục tuân theo “giá trị tự nhiên” mà bố cô, ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, tâm đắc.
Vận dụng công nghệ vào quản trị và giảng dạy
Đã hơn 10 năm kể từ những ngày TS. Trương Nhật Hoa - thế hệ thứ ba trong gia đình gắn bó với sự nghiệp giáo dục - bắt đầu làm việc tại Trường Đại học Thăng Long, thuộc tốp những cơ sở giáo dục đại học thiên về ứng dụng của Việt Nam.
Đây là ngôi trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được bà Hoàng Xuân Sính, nữ Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam sáng lập và con trai bà, ông Trương Ngọc Kim cùng tiếp nối và phát triển. Hai thế hệ đi trước cho thấy sự cam kết tận tâm cho những mục tiêu lớn lao cho giáo dục khi hoàn thiện được ngôi trường đẹp, hiện đại, cơ sở vật chất tiện nghi và tình hình tài chính ổn định.
Giờ đây, ở vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Trường Đại học Thăng Long, TS. Trương Nhật Hoa đang vận dụng những tiến bộ công nghệ mới vào quản trị và giảng dạy, tái cơ cấu, giúp vận hành trường học minh bạch hơn, với các chức năng phù hợp với giáo dục đại học để đạt được những tiêu chuẩn cao hơn.
Bối cảnh đại học đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của công nghệ. Những thách thức nổi bật bao gồm cải tiến chất lượng giáo dục, tích hợp công nghệ vào học tập và giảng dạy. Thị trường lao động đang chuyển dịch mạnh mẽ, nhiều công việc mới xuất hiện đòi hỏi lực lượng lao động cách tư duy mới và các kỹ năng thích ứng.
Việc khai thác tài nguyên nhân sự trong ngành giáo dục lại càng đặc thù, vì ở đó con người vừa là sản phẩm vừa là nguồn gốc sản phẩm, từ đó tác động tới kết quả và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Là nhà quản lý nhìn thấy những cơ hội trong khó khăn, TS. Trương Nhật Hoa cho biết cô tập trung phát triển đội ngũ nhân lực gồm 500 giảng viên và nhân viên. “Bởi trong giáo dục, con người chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất cần được khai thác và phân bổ đúng chỗ”.
Ưu tiên tiếp theo của TS. Nhật Hoa là số hóa công tác quản lý và giảng dạy, giúp tăng hiệu suất công việc, góp phần tiết kiệm thời gian và tài nguyên. Trong 3 năm trở lại đây, Trường Đại học Thăng Long áp dụng phương thức đánh giá hiệu quả công việc (KPI), từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong đội ngũ.
“Chúng tôi đã đánh giá công việc và nhân sự hợp lý hơn, thay vì chỉ dựa vào thâm niên làm việc như trước đây,” TS. Nhật Hoa cho biết.
Tiếp nối những giá trị truyền thống
TS. Nhật Hoa mạnh dạn ứng dụng những cách làm mới trong quản lý, một phần nhờ được tiếp sức từ lịch sử của ngôi trường trải qua rất nhiều lần “đầu tiên” và “chưa từng có” trong giáo dục Việt Nam. 10 năm qua tỷ lệ tuyển sinh tại trường tăng hơn 44%.
Cô phân tích, có rất nhiều sự khác biệt về tư duy học tập giữa thế hệ Millennials sang Gen Z. Nếu thế hệ Millennials lựa chọn việc học tập dựa trên ý muốn phụ huynh thì Gen Z thể hiện rất rõ quan điểm cá nhân. Những chuyển biến xã hội buộc các trường phải thấu hiểu để điều hướng chiến lược. “Câu hỏi chúng tôi luôn đặt ra là làm thế nào để giữ được vị thế tiên phong, tạo ra các xu hướng trong khi vẫn lấy người học làm trung tâm”, TS. Nhật Hoa nói.
TS. Nhật Hoa đã trải qua nhiều vị trí tại trường, từ công việc truyền thông, nhân sự, xây dựng chương trình đào tạo tới tài chính trước khi tham gia điều hành ở vị trí hiện nay.
Đảm nhận nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo cho mục đích cuối cùng là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, TS. Nhật Hoa cho biết con đường này không dễ dàng. “Chúng tôi quan niệm để vận hành một tổ chức thì hiệu quả tài chính là vấn đề quan trọng, nhưng chúng tôi ưu tiên cho việc đạt được chất lượng đào tạo tốt nhất. Chiến lược này của Trường Đại học Thăng Long không bao giờ thay đổi”.
Trong các buổi chia sẻ với sinh viên hay xuất hiện trên truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, ông Trương Ngọc Kim hay nói về một xã hội nơi những “giá trị tự nhiên” được tôn trọng. “Tôi cho rằng bản chất sâu xa nhất để thành công chính là tuân theo những giá trị tự nhiên,” ông Kim nói. Với mục đích tạo ra con người học tập suốt đời, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thế hệ sau của ông Trương Ngọc Kim đang tìm cách giải những bài toán của thời đại mình theo cách rất khác những gì thế hệ trước đã làm. “Với những lãnh đạo trẻ tuổi, tôi tin rằng họ có tính kế thừa, có sự suy nghĩ. Dù có quyền hành trong tay thì cũng sẽ lưu ý tới những giá trị tự nhiên đó”.
TS. Nhật Hoa cho biết cô nhìn vào bức tranh tổng thể để đề ra chiến lược dài hạn với tinh thần cầu thị, quá trình chuyển đổi có tính cách mạng này cũng luôn cần sự giám sát kỹ càng và liên tục đánh giá, xem xét lại để điều chỉnh.
Là con một, quen làm mọi việc một mình, và đi một mình một con đường, Nhật Hoa kể điều cô nhận thấy rõ rệt trong gia đình mình là không ai, kể cả bà nội - một người rất được nể trọng bởi khả năng chuyên môn, sự dấn thân trong sự nghiệp giáo dục và quản trị - và bố mẹ định hướng cô phải làm gì.
“Tôi sẽ giữ vững nền tảng giáo dục là gốc rễ và ứng dụng những cách làm mới trong quá trình vận hành ngôi trường này,” TS. Trương Nhật Hoa nói.
Lệ Thanh