Phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) vào sáng 26/3, đại biểu Hoàng Văn Cường đề cập đến mô hình “thành phố thuộc thành phố” và chia sẻ nhiều trăn trở để 

Thành phố trong thành phố khác với quận, huyện

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dù thành phố thuộc Thủ đô Hà Nội là đơn vị hành chính cấp 2 như quận, huyện nhưng chức năng, vai trò quản lý hoàn toàn khác so với quận, huyện.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải có khái niệm về thành phố thuộc Thủ đô và giao quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc Thủ đô so với các quy định chung.

hoangvancuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo luật đang đi vào liệt kê các vấn đề cụ thể khi quy định về tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống.

Ông đề nghị cần luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông với mục tiêu để sông Hồng trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố.

“Sông Hồng đáng lẽ phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, sầm uất thì hiện nay hai bên bờ sông Hồng đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội, trở thành vấn đề bức xúc, không thể tổ chức khai thác vì vướng một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình. Đất vàng hai bên sông Hồng tại Hà Nội giống như bãi cỏ hoang”, đại biểu Cường bày tỏ.

Cần xác định cụ thể các địa phương trong vùng Thủ đô 

Cũng quan tâm đến quy hoạch và liên kết vùng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Dự thảo Luật quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với 4 vùng, gồm: Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng động lực phía Bắc.

phamtrongnghia.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Theo ông Nghĩa đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ 6. Nhưng hiện vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc đều đã được các văn bản của Quốc hội, Chính phủ quy định. Riêng vùng Thủ đô lại chưa được dự thảo luật xác định gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao.

Từ đó, ông đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong vùng Thủ đô trong dự thảo luật để làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới đây.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được thực hiện trên cơ sở chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tự nguyện điều chỉnh đất đai theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không thống nhất được thì trong một năm từ ngày UBND thành phố phê duyệt dự án, UBND cấp huyện quyết định lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời nếu được ít nhất 2/3 chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất thuộc phạm vi, ranh giới dự án đồng ý.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng đây là vấn đề lớn, từng gây tranh cãi khi sửa đổi Luật Đất đai. Trên địa bàn khu dân cư có đến 1/3 hộ gia đình không đồng tình với dự án mà cho cấp quận tổ chức cưỡng chế để giải phóng mặt bằng sẽ gây tác động xã hội cực kỳ lớn, nhất là vấn đề khiếu kiện.

Vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách để tránh hệ quả phức tạp.