Xem lại bài 1: Phú Quốc và tư duy phát triển “đặc cách - vượt cấp”
Xem lại bài 2: Định vị Phú Quốc cho tương lai
Cơ chế chính sách theo quyết định 178/2004/QĐ-TTG được ban hành gần 20 năm và được coi là “tấm áo" quá chật so với sự phát triển của Đảo Ngọc.
Đây là dịp chúng ta tổng kết và từ đó kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm định hướng và có những giải pháp cần thiết cho sự phát triển đột phá của Phú Quốc. Sự phát triển của Phú Quốc lại đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Nhìn vào những kết quả Phú Quốc đạt được trong 20 năm qua, chúng ta nhận thấy tầm nhìn, các mục tiêu và giải pháp được đề ra là chính xác. Trước mắt chúng ta, Đảo Ngọc đang thật sự biến thành “Trung tâm du lịch mang tầm cỡ khu vực, quốc tế”.
Doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch năm 2023 đạt 6.848 tỷ đồng, tăng 49,17 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng tăng gần 64 lần với năm 2004. Đặc biệt, thu ngân sách năm 2023 đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Đây đúng là những mức tăng có thể so sánh với sự vươn lên của Thánh Gióng. Về thu ngân sách năm 2023, Phú Quốc - một thành phố cấp huyện, đã vượt qua 8 địa phương cấp tỉnh trong cả nước!
Đạt được những thành tựu nói trên, công bằng mà nói, bên cạnh sự chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của địa phương, có vai trò dẫn dắt của một số nhà đầu tư lớn trong phát triển du lịch như Sun Group, Vingroup….
Thành tựu của Phú Quốc là một trong những căn cứ quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 150/2024/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án quy hoạch thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040.
Trong Đồ án này, bên cạnh mục tiêu phát triển Phú Quốc trở thành đô thị biển đảo, mục tiêu chiến lược vẫn là phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, giàu bản sắc, có sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Đây là định hướng chiến lược quan trọng giúp bảo đảm sự nhất quán về nỗ lực và chính sách, cũng như giúp xây dựng và củng cố bản sắc và thương hiệu của Phú Quốc.
Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là toàn diện và bao trùm. Sẽ cần phải có rất nhiều nguồn lực, cũng như rất nhiều năng lực để triển khai vào cuộc sống. Giải pháp chính sách quan trọng nhất ở đây là sớm xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án đầu tư đó.
Ngoài ra, cần tập trung mọi nỗ lực để giải quyết những vấn đề nóng bỏng nhất đang đặt ra cho Đảo Ngọc.
Vấn đề đầu tiên, hạ tầng giao thông. Nhu cầu giao thông tăng cao do lượng du khách gia tăng đột biến, nhưng hệ thống giao thông chưa đáp ứng kịp. Giao thông nội địa còn hạn chế, thiếu các tuyến đường kết nối liên vùng và các phương tiện giao thông công cộng. Sân bay quốc tế Phú Quốc đang quá tải, cần được nâng cấp và mở rộng.
Vấn đề thứ hai, quản lý môi trường. Hoạt động du lịch phát triển nhanh chóng dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Xử lý rác thải, nước thải chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến cảnh quan và chất lượng cuộc sống.
Vấn đề thứ ba, sự cạnh tranh gay gắt của các điểm du lịch khác trong khu vực.
Ngoài ra, Phú Quốc còn đối mặt với một số vấn đề khác như nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; Giá cả dịch vụ tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của du khách; Khả năng hạn chế về giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương trong quá trình phát triển du lịch…
Để giải quyết những vấn đề nói trên, cần sớm có những phản ứng chính sách phù hợp.
Trước hết, cần ưu tiên phân bổ vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng Phú Quốc, đặc biệt đường giao thông kết nối theo quy hoạch chung được phê duyệt, công trình cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải, nước thải.
Thứ hai, cần để lại toàn bộ số tăng thu nội địa tại Phú Quốc trong thời gian 10 năm kể từ ngày Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của Phú Quốc được ban hành để thành phố tự phân bổ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của thành phố.
Thứ ba, cần áp dụng chính sách chính sách đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh của Phú Quốc so với các nước trong khu vực, bao gồm: Miễn thị thực quá cảnh, nhập cảnh vào Phú Quốc; Tăng thời hạn tạm trú của người nước ngoài được miễn thị thực tại Phú Quốc từ 30 ngày lên 90 ngày; Cho phép người nước ngoài được miễn thị thực tại Phú Quốc được quá cảnh tại 03 Cảng hàng không lớn trước khi nhập cảnh vào Phú Quốc (bao gồm Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất); Cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tại Cảng hàng không Phú Quốc với mục đích du lịch ngoài Phú Quốc.
Cuối cùng, để Đảo Ngọc có thể phát triển vượt bậc và tỏa sáng hơn nữa, cần nhanh chóng áp dụng một mô hình quản trị mới cho hòn đảo này. Xét về diện tích, Phú Quốc chỉ bé hơn Singapore một ít (Phú Quốc rộng 574 km²; Singapore rộng 719 km²). Trong khi Singapore có toàn bộ chủ quyền của một quốc gia, thì Phú Quốc chỉ có thẩm quyền của một đơn vị hành chính cấp huyện.
Muốn Phú Quốc phát triển như Singapore, chắc chắn chúng ta cần phải phân cấp, phân quyền cho thành phố này nhiều hơn nữa. Hiến pháp năm 2013 đã cung cấp khuôn khổ thể chế cần thiết để chúng ta có thể thiết kế một mô hình quản trị hiện đại với những quyền năng tương ứng cho Đảo Ngọc. Khuôn khổ đó chính là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng