Nguy cơ mắc kẹt

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986 đã mang lại những thành tựu đáng khích lệ. Nền kinh tế đạt 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 34 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.284 USD, dần tiến tới ngưỡng thu nhập trung bình cao, tạo thế và đà, động lực và niềm tin để Việt Nam tiến bước tới mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, Việt Nam đang ở thời điểm đòi hỏi cần tập trung cao độ cho phát triển năng lực R&D để tránh rơi vào thế kẹt ở vị trí "bánh sandwich", không cạnh tranh được với nước đi sau có chi phí sản xuất rẻ hơn, cũng như chưa cạnh tranh được với nước đi trước có lợi thế công nghệ tiên tiến.

Bởi lẽ, dù muốn hay không, chúng ta không nằm ngoài quy luật “đàn sếu bay” trong phát triển công nghiệp. Do vậy, lợi thế lao động phổ thông giá rẻ sẽ sớm mất đi, thay vào đó là đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.

dai hoc y.jpeg
Việt Nam đang ở thời điểm đòi hỏi cần tập trung cao độ cho phát triển năng lực R&D. Ảnh: VietNamNet

Việt Nam đã và đang có những động thái mạnh mẽ, tích cực trong thúc đẩy hoạt động R&D nhằm phát triển lên những cấp độ cao hơn của công nghệ chứ không chỉ dừng ở sản xuất, lắp ráp, gia công và đạt được những kết quả đáng kể, điển hình là hàng loạt “ông lớn” công nghệ đã và đang “chọn mặt gửi vàng” đặt các trung tâm R&D ở Việt Nam như Samsung, Apple, Intel...

Tuy nhiên, năng lực R&D nội địa của Việt Nam rất hạn chế trong khi chi phí cho hoạt động R&D ít mà lại dàn trải dẫn đến hệ thống R&D thiếu đà, động lực và môi trường thuận lợi để phát triển bứt phá.

Đầu tư ít cùng với “đội thuyền thúng”

Việt Nam chi cho R&D quá ít, thiếu khôn ngoan. Đến năm 2023, tỷ lệ chi quốc gia cho R&D mới chỉ đạt 0,4% GDP, xếp hạng 66 thế giới, quá thấp so với các nước, chưa bằng số lẻ của Trung Quốc vào năm 2022 với tỷ lệ đạt 2,54% GDP, Hàn Quốc là 4,6 % GDP, Nhật Bản là 3,65%/GDP. Nhìn sâu hơn phần ngân sách chi cho R&D không chỉ quá ít mà còn quá dàn trải, phân tán, thiếu hiệu quả...

Nhân lực R&D cũng mỏng, tỷ lệ nhân lực R&D trên số dân quá thấp, chưa tới 10 người/1 vạn dân, tương đương 7,6% của Hàn Quốc, 29,8% của Malaysia, 58% của Thái Lan.

Chất lượng nhân lực R&D còn nhiều hạn chế và bất cập. Nguồn nhân lực R&D của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực nhà nước chiếm hơn 84% trong khi khu vực ngoài nhà nước chiếm chưa đầy 14%.

Đào tạo nhân lực trình độ cao hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tỷ trọng dân số từ 18 đến 29 tuổi đang theo học đại học chưa đầy 29%, quá thấp so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình cao với tỷ trọng trên 50%. Trong khi đó, môi trường hoạt động R&D còn nhiều bất cập khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân các nhân tài R&D khiến nhiều tài năng R&D ra nước ngoài làm việc.

Hơn nữa, chúng ta thiếu vắng các Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tầm cỡ, quy mô lớn có năng lực thực hiện các dự án R&D lớn, tầm cỡ toàn cầu.

Điểm đáng chú ý, có không ít những nỗ lực đáng kể nhằm tạo chuyển biến lớn trong hoạt động R&D ở các thành phần chính trong hệ thống R&D, từ mạng lưới Viện nghiên cứu công, Đại học, rồi doanh nghiệp, có những chính sách được coi là “ngọn đuốc soi đường” dẫn lối, được ví như “khoán 10” trong nông nghiệp... Nhưng đến nay, hệ thống R&D vẫn thiếu cả đà, động lực và môi trường thuận lợi để phát triển bứt phá.

Hoạt động R&D ở Viện nghiên cứu công lập

Sau nhiều lần sắp xếp, hiện nay, chúng ta có một mạng lưới với nhiều tổ chức KH&CN công lập, có tới 478 tổ chức gồm: 301 tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Đại học quốc gia, các Tổng cục, Học viện và các đơn vị tương đương; 170 tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

Phần lớn với quy mô nhỏ bé, không ít hoạt động cầm chừng theo cơ chế “xin cho”. Xin được kinh phí rồi chia nhau theo kiểu “luân phiên” để có việc làm, không xin được kinh phí thì mỗi người tự xoay sở theo cách của mình như giảng dạy, bán hàng online, làm việc nhà... Bởi vậy, dù có đội ngũ R&D đông đảo, chiếm đa số song ít có những sản phẩm nghiên cứu giá trị cũng như có tầm cỡ.

Ít có liên kết hay hợp tác với các doanh nghiệp, vì thế mà những kiến thức mới ít được ứng dụng vào thực tế.

Hoạt động R&D ở Đại học

Ngoài một vài Đại học lớn với định hướng nghiên cứu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM... Hoạt động R&D ở đại học phần nhiều vẫn mang tính thêm thắt bên cạnh hoạt động đào tạo, chủ yếu tập trung làm sao có nhiều công bố quốc tế, cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế để tuyển sinh tốt hơn.

Hoạt động R&D ở doanh nghiệp

Hoạt động R&D ở doanh nghiệp cũng không khấm khá hơn vì doanh nghiệp Việt Nam đầu tư rất ít cho R&D.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, cách đây năm năm chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ, R&D của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm bình quân khoảng 0,3% doanh thu, quá ít so với các doanh nghiệp nước ngoài (Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản là 50%).

Tỷ lệ này đã tăng lên đạt ngưỡng 1% tổng doanh thu một vài năm sau đó, và đến nay đạt gần 1,6% doanh thu hằng năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều ngay cả khi so với các quốc gia trong khu vực như Philippines với 3,6%, Malaysia với 2,6%...

Hoạt động R&D ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường dưới dạng các nhiệm vụ đột xuất để giải quyết các vấn đề phát sinh trong sản xuất, không mang tính hệ thống. Hơn nữa, chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thị trường/quốc gia hoặc mới đối với ngành, thay vì tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thế giới.

Doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính và nhân lực để chi cho phát triển R&D song thuộc sở hữu nhà nước lại có những “đặc quyền” và do vậy, họ không nhất thiết “sống chết” để phát triển R&D. Còn với các doanh nghiệp tư nhân, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ nguồn lực tài chính và nhân lực để phát triển R&D.

Tư duy và nhận thức của doanh nghiệp chưa thấy hết được vai trò, tầm quan trọng của R&D. Môi trường kinh doanh còn tồn tại nhiều yếu tố phi kinh tế nên có những doanh nghiệp chỉ cần dựa vào các mối quan hệ, những ưu ái, các khe hở của pháp luật để có lợi nhuận lớn, tồn tại dễ dàng, không cần phát triển R&D để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính sách khuyến khích, thúc đẩy R&D cũng chưa “sát sườn”, chưa đủ độ hấp dẫn, nhiều khi chỉ tồn tại trên giấy tờ và nếu được thực thi thì thủ tục rườm rà, nhiêu khê.

Kì tới: Cải cách đột phá cho khoa học

Phạm Mạnh Hùng