Toàn xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương hiện có 266 hộ đồng bào dân tộc với gần 1.100 nhân khẩu, riêng bà con Khmer chiếm 250 hộ với 996 người, trong đó có 2 hộ nghèo là người già, neo đơn.
Giờ đây, bộ mặt nông thôn của xã An Bình đã nhiều thay đổi. Những ngôi nhà tranh, vách đất được thay thế bằng những căn nhà mái ngói khang trang. Đường đổ bê tông dài đến tận nhà dân. Gia đình nào cũng có xe máy để đi lại, nhiều hộ còn có ô tô.
Bà con Khmer trên địa bàn xã An Bình đều có đất canh tác và chủ yếu trồng cao su, điều. Một số hộ trồng dưa lưới cung ứng cho Hợp tác xã Kim Long nên không lo đầu ra. Một số trường hợp mong muốn đi làm công nhân tại các doanh nghiệp ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã được địa phương giới thiệu việc làm. Cũng nhờ đó, đời sống bà con ngày càng ổn định.
Kết quả này có được từ việc chính quyền đã sớm rà soát, cấp đất cho những hộ khó, đồng thời hướng dẫn lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của bà con dân tộc trong việc vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại chính sách.
Đại diện UBND xã An Bình cho biết, xác định việc nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào dân tộc là rất quan trọng để giúp họ thay đổi cuộc sống, cán bộ xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” động viên các em đến trường. Đến nay, số học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, cao đẳng, học nghề rất nhiều.
Theo đó, tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các cấp học nhiều, trình độ cũng nâng lên. Học đại học xong, hầu hết các em đều về địa phương phục vụ và được địa phương, tỉnh, huyện quan tâm, tạo điều kiện để các em làm việc.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo cơ bản ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, họ vẫn rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để vươn lên hơn nữa, không còn cảnh tái nghèo.
Trước thực tế đó, thời gian tới, đối với những hộ còn khó khăn về nhà ở sẽ được huyện Phú Giáo vận động, trích ngân sách xây tặng; tổ chức lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, hỗ trợ kinh phí cho bà con đi học. Song song đó, tổ chức các hoạt động thiết thực để bà con lưu giữ bản sắc văn hóa.