Mời quý độc giả theo dõi video:

Nằm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ngôi trường THPT dân tộc nội trú mang tên người Anh hùng Dân tộc N’Trang Lơng là nơi hơn 500 học sinh thuộc 21 dân tộc cùng học tập, rèn luyện.

Với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng chức năng như phòng tin học, phòng thí nghiệm, thư viện….cùng nhiều hoạt động ngoại khoá, kỹ năng mềm được tổ chức đan xen, ngôi trường mang tên người anh hung dân tộc là cái nôi, là bước đệm phát triển vững chắc cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trong năm học 2022-2023, tại trường học sinh Giỏi chiếm 17,7%, học sinh Khá chiếm 45,8%; 100% học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT, trong đó có trên 90% em đủ điểm sàn để trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Học sinh của trường cũng đạt nhiều thành tích tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; Kỳ thi Olympic 30/4; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh...

Không chỉ riêng trường THPT DTNT N’Trang Lơng, mà trong những năm qua, vấn đề giáo dục nói chung và giáo dục học sinh dân tộc thiểu số nói chung đặc biệt đượcc tỉnh Đắk Lắk chú trọng đầu tư, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đào tạo trình độ giáo viên, xây dựng các hoạt động thực tế…

Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú,  6 trường phổ thông dân tộc bán trú ở cấp huyện.

Toàn tỉnh hiện có 172.007 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 36,05%. Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đến năm 2020 là 82,4%; Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi đến năm 2020 bậc tiểu học là 97,25%, bậc Trung học cơ sở là 93,1%; bậc trung học phổ thông là 69,7%

Giáo dục dân tộc được quan tâm từ chế độ chính sách đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học tập, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, bồi dưỡng tiếng Việt cho con em DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được duy trì.

Đội ngũ giáo viên hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đều được bồi dưỡng chương trình nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ GDĐT.

Kết quả, chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông từng bước được nâng lên, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn từng bước được rút ngắn. Nhiều học sinh giỏi đứng đầu khu vực 10 tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp.

Đến năm 2023, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; 100% các huyện, thị xã, thành phố giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đảm bảo trên 90% số người biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại, giữ vững 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc, tổ chức nâng cao năng lực tiếng Kinh cho trẻ em dân tộc thiểu số cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ người dạy, người học và đặt hàng đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc.

Thùy Chi - Đức Yên