1- Ông Dương Minh Ngọc, Trinh Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội gửi đơn phản ánh về việc một số lãnh đạo của quận đã bao che cho một cán bộ phường, có nhiều sai phạm trong việc bảo kê cho các hộ trên địa bàn phường Phú Lương, nhằm lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự trên đất nông nghiệp. Vụ việc này đã được các báo đài phản ánh nhưng lãnh đạo quận đã làm ngơ không xử lý. Trong khi đó lại có kế hoạch cơ cấu, bố trí cho vị cán bộ này lên quận công tác.
2- Bà Nguyễn Thị Qưới ở tòa nhà Saigon Trade Center, Tôn Đức Thắng, phường Bến nghé, Quận 1, TP.HCM, tiếp tục phản ánh về việc Ngân hàng Nam Á đã tự ý mở tài khoản đứng tên bà mà được không chấp nhận của bà, dẫn đến việc đã chiếm đoạt tiền số tiền trong tài khoản của người con trai đã mất của bà nhờ tham gia bảo hiểm với Công ty Phú Hưng. Sau khi bà yêu cầu làm rõ và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và báo chí, phía ngân hàng đã gửi hồ sơ cho bà, song bà nhận thấy tất cả chữ viết và chữ ký đều là giả mạo. Bà đề nghị cơ quan chức năng xác minh và làm rõ sự thật về hồ sơ mở tài khoản và rút tiền.
3- Ông Nguyễn Hữu Đương, công tác tại Bệnh viện giao thông Huế, 17 Bùi Thị Xuân, gửi phản ánh về việc ông tham gia chống dịch và sau đó mới biết có Nghị định 5/2023 NĐ-CP về ưu đãi nghề cho cán bộ công chức, viên chức, nhưng cơ quan ông không phổ biến. Ông đã viết thư hỏi lên cấp tỉnh, được gọi lên làm việc cùng với lãnh đạo. Tuy nhiên, sau đó ông nhận được thông báo là những quy định trong Nghị định đó không liên quan tới quyền lợi và lợi ích của ông nên không giải quyết. Ông tiếp tục phản ánh nhưng vẫn không thấy giải quyết, chỉ nhận được điện thoại thông tin bệnh viện thuộc tuyến tỉnh nên không được hưởng theo tiêu chuẩn trong nghị định, ông đã không chấp nhận làm việc qua điện thoại.
4- Ông Đào Duy Canh, thôn 2 xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội gửi đơn tố cáo Ban giải phóng mặt bằng xã và huyện đã 24 năm mà không giải quyết được các hộ bị ô nhiễm tại bãi rác Nam Sơn vì không có đất tái định cư. Năm 2016, bãi rác mở rộng giai đoạn 3, thành phố có phương án di chuyển các hộ trong khu vực ô nhiễm ra ngoài nhưng từ đó vẫn không thực hiện. Lý do vì Ban giải phóng mặt bằng đã không thực hiện văn bản 508/ TB-VPHN, đã phạm luật khiếu nại tố cáo; đã ép người dân ký vào văn bản trái luật; cấp đất tái định cư không đúng đối tượng; lên phương án đền bù về đất nông nghiệp, đất 64 không đúng với biên bản bàn giao của ban dồn điền đổi thửa mà các hộ đã ký; không chấp hành chỉ đạo của Phó CT UBND TP...
5- Bà Nguyễn Thị Châu, đội 3, thôn Đông, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, làm đơn kêu cứu về việc bà cùng một số người địa phương đã hợp tác làm ăn với bà Huyền cùng địa phương. Bà cùng một số cá nhân đã chuyển cho bà Huyền số tiền 27,9 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, bà Huyền bỏ trốn và tắt mọi liên lạc. Bà trình báo lên công an và công an phát lệnh truy nã, khởi tố vụ án. Bà cũng được mời lên cơ quan công an đối chất với bà Huyền 1 lần nhưng từ đó đến nay, vụ án vẫn chưa tiến triển. Bà Châu và những người bị hại mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra và xét xử.
6- Ông Nguyễn Mạnh Khởi cùng 15 người khác cùng trú xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên làm đơn tố cáo một số cán bộ của huyện đã né tránh, không tiếp công dân khi người dân lên huyện yêu cầu giải quyết và không có kết luận đúng - sai khi ý kiến người dân đưa ra. Trước đó, người dân đã làm đơn tố cáo về việc cấp trên đã buông lỏng quản lý để cấp dưới đập phá tài sản của 12 hộ dân, quyết định cưỡng chế ký không đúng trong khi đó 1 số hộ là người thân của cán bộ có sai phạm lại không bị cưỡng chế...
7- Ông Trần Minh Hoàn ở TTTM Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội, gửi đơn kiến nghị về việc ông đã đặt cọc mua căn hộ của Dự án Hesco tại phường Văn Quán, Hà Đông. Ông đã đặt cọc 100 triệu song khi luật sư của ông làm việc với đại diện của công ty về những thủ tục pháp lý liên quan đến sự hợp pháp của Dự án, nhân viên đã không thông tin rõ ràng và không trả lời các câu hỏi của ông. Ông nhận thấy dự án có dấu hiệu vi phạm và đã thông qua công ty luật đề nghị được hoàn trả lại tiền đặt cọc nhưng cho đến nay vẫn không thấy phản hồi.
8- Bà Ngô Thị Mừng ở thôn 1, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, Lâm Đồng, viết đơn tố cáo 3 đối tượng mà người đứng đầu ở Lê Hồng Phong, phường 1, thành phố Bảo Lộc, Lâm đồng đã cho vay nặng lãi. Cụ thể bà có con rể là Trần Phi Hùng vay 10 tỷ đồng để làm ăn với lãi suất tháng 0,8%, tương đương 96%/năm. Các đối tượng bắt bà phải làm thủ tục giả là chuyển nhượng đất với giá trị tương đương khoản tiền vay. Sau đó con rể bà đã không thể trả nợ được và có nguy cơ bị kiện ra tòa. Hiện số tiền nợ đã lên tới 35,5 tỷ.
9- Ông Đặng Hữu Hiệp, thôn Thạch Căn, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, TT Huế, gửi đơn phản ánh việc chính quyền địa phương xã đã cố ý làm trái các quy đinh của pháp luật trong việc lập hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1 hộ tại địa phương: Đã không có biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký đất đai xã; không niêm yết công khai; không ghi ý kiến đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận vào đơn xin cấp...
10- Ông Nguyễn Duy Hòa, khu Hưng Hòa, phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, phản ảnh về việc Tòa án của tỉnh đã cố tình bao che sai phạm. Cụ thể là tại bản án sơ thẩm ly hôn của TAND thị xã Quảng Yên đã bỏ qua tình tiết tài sản của họ khi được cho, tặng đã không đúng pháp luật. Một thành viên của gia đình hiện ở Hàn Quốc lại có chữ ký để hợp thức hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. (Được biết người đó đã có giấy ủy quyền cho gia đình). Tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Hòa là không đúng pháp luật,.
Ban Bạn đọc