Cuối tháng 12, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. 

Quy hoạch cũng đồng bộ với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Là tỉnh miền núi ở phía Bắc Tây Nguyên, trên độ cao trung bình 700 - 800 m so với mực nước biển, Gia Lai còn được biết đến là vùng đất bazan đầy nắng gió với bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê và những đồi chè nối nhau… Tỉnh hiện đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên về diện tích đất sản xuất nông nghiệp với trên 500.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cao su trên 120.000 ha, hồ tiêu gần 17.000 ha, càphê hơn 94.000 ha, điều 17.000 ha… 

W-anhcaphe.png
Diện tích cao su trên địa bàn Gia Lai lên tới 120.000 ha

Không những được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho đất đai rộng lớn, nhiều thắng cảnh hoang sơ tuyệt đẹp, Gia Lai còn in đậm dấu ấn văn hóa của đất và người Tây Nguyên như: văn hóa cồng chiêng và những nghi lễ, tập tục truyền thống cổ xưa của cộng đồng các dân tộc như Gia Rai, Ba Na, Mơ Nông, Chơ Ho, Xơ Đăng, Ê Đê, Chu Ru, Xtiêng, Rơ Măm… 

Những lợi thế, dư địa này chính là động lực để tỉnh định hướng phát triển trở thành vùng cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe; phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế rừng bền vững.

Theo Quy hoạch, Gia Lai sẽ tỉnh tiên phong trong vùng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập vào năm 2030. Đến năm 2050, Gia Lai sẽ trở thành “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt, độc đáo và là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.

Để đạt được những mục tiêu này, Gia Lai đang thúc đẩy ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.

Tỉnh cấu trúc bốn tiểu vùng sinh thái - kinh tế với tiểu vùng 1 gồm thành phố Pleiku - đô thị Chư Sê - Đak Đoa - Chư Păh; tiểu vùng 2 gồm Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; tiểu vùng 3 gồm thị xã An Khê - thị trấn Kbang; tiểu vùng 4 gồm thị xã Ayun Pa - Phú Thiện - Krông Pa. Đây sẽ là nơi tập trung các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của tỉnh.

Lãi đạo tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Nhóm PV