Lời tòa soạn: Series bài cuối năm này sẽ tóm tắt lại các chuỗi sự kiện chính trị toàn cầu năm 2023 để dự đoán thế giới trong năm 2024, bao gồm sáu phần. Ngoài phần giới thiệu này, hai phần đầu sẽ nói về các xu hướng địa chính trị năm 2024. Phần 2 phân tích thế giới nói chung và phần 3 tập trung vào cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ và các diễn biến cụ thể tại Châu Á – Thái Bình Dương. Phần 4 sẽ chia sẻ những gì chúng ta có thể mong đợi từ năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử loài người, từ trận tái đấu đầy kịch tính giữa Trump và Biden tại Mỹ đến hy vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi để giành được nhiệm kỳ thứ 3. Hai phần cuối sẽ nói về những gì chúng ta có thể mong đợi trong năm 2024 từ một vài vấn đề được người đọc quan tâm khắp thế giới trong năm 2023 – chuyển đổi năng lượng sạch, cuộc cạnh tranh công nghệ, và sự phát triển của trí tuệ thông minh (AI).
Phần mở đầu: Cái nhìn tổng quan về các xu hướng của thế giới 2024
Theo dự đoán bởi nhiều nhà quan sát từ đầu những năm 2020, hầu hết các diễn biến trong năm 2024 sẽ đi theo ba xu hướng lớn hơn, đó là sự phân cực giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của "phía Nam toàn cầu" (Global South), và khát vọng của những quốc gia này để thoát khỏi một trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt.
Nhìn lại báo cáo Xu hướng Toàn cầu của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ vào năm 2021, các chuyên gia đã hình dung một vài kịch bản cho thế giới vào năm 2040, bao gồm: (1) sự phục hưng của các nền dân chủ toàn cầu, (2) một thế giới trôi dạt trong các hệ thống quốc tế hỗn loạn, (3) sự cùng tồn mang tính cạnh tranh (competitive coexistence) giữa các nước lớn, (4) thế giới bị chia cắt thành các khối kinh tế an ninh, và (5) thế giới được thống nhất để giải quyết biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, hai vấn đề có ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Những kịch bản này, mặc dù được dự đoán cho năm 2040, có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về các xu hướng dài hạn có thể hình thành từ năm 2024.
Các cuộc bầu cử diễn ra trên khắp thế giới sẽ thách thức hiện trạng chính trị tại nhiều nền dân chủ, trong khi niềm tin vào hệ thống dân chủ có nguy cơ bị xói mòn ở nhiều quốc gia đang phát triển – đặc biệt tại Châu Phi. Tại Châu Á-Thái Bình Dương, một cuộc chiến trạnh lạnh mới đang hình thành, với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Hai điểm nóng trong cuộc chiến này hiện là vấn đề Đài Loan và việc Washington ngày càng hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, các cuộc chiến nóng sẽ tiếp tục tại Ukraine và Gaza, trong khi một loạt điểm nóng xuất hiện vào năm 2023 sẽ có nguy cơ bùng nổ vào năm 2024 như Azerbaijan, Bangladesh, Myanmar, DR Congo, hay Ethiopia.
Một Nam toàn cầu ngày càng mạnh mẽ sẽ tiếp tục lên tiếng chỉ trích tiêu chuẩn kép của phương Tây trong chính trị toàn cầu, đặc biệt đối với hai cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza. Điều này có thể dẫn đến việc các quốc gia tái cơ cấu liên minh với nhau, hay thậm chí tách khỏi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo để xoay trục sang Trung Quốc – một cường quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy bất chấp các vấn đề kinh tế và nhân khẩu học. Xu hướng này sẽ ngày càng rõ vào năm 2024, thể hiện sự vỡ mộng của các quốc gia ở nam bán cầu đối với cách tiếp cận truyền thống của phương Tây trong quan hệ quốc tế và mong muốn có một trật tự toàn cầu công bằng hơn.
Nền kinh tế thế giới vẫn còn mong manh và không chắc chắn, và thế giới sẽ tiếp tục vận lộn với ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị trong năm 2024. Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm những điểm yếu về cơ cấu nền kinh tế toàn cầu, khiến cho nhiều quốc gia đưa ra các chính sách bảo hộ và thế giới ngày càng rạn nứt thành các khối đối thủ. Do vậy, một trong những đặc điểm nổi bật của địa chiến lược năm 2024 sẽ là xu hướng các quốc gia đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chính phủ, từ Mỹ đến Ấn Độ và Châu Âu, đang ngày càng tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm quan trọng trong nước và tích hợp chính sách kinh tế với chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại. Xu hướng này sẽ có tác động lớn đến chuỗi cung ứng và các mối quan hệ thương mại, góp phần tạo nên các cuộc cạnh tranh mới, không chỉ giữa các nước lớn, mà còn giữa các trung cường quốc tranh giành ảnh hưởng và cơ hội phát triển.
Công nghệ AI sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân, hứa hẹn nhiều đột phá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong khi trở thành một vấn đề địa chính trị hàng đầu vào năm 2024. Một công nghệ chủ chốt như AI sẽ được các nước lớn tận dụng như một vũ khí địa chính trị, đóng vai trò hàng đầu trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu.
Cùng lúc đó, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang tạo ra những siêu cường xanh mới, và COP28 ở UAE là ví dụ lớn nhất cho thấy bản đồ tài nguyên năng lượng toàn cầu sẽ được vẽ lại bởi các quốc gia nằm ngoài thế giới phương Tây. Cuộc cạnh tranh tài nguyên xanh đã bắt đầu tái định hình địa chính trị và thương mại, và sẽ tạo ra một số người thắng và thua cuộc mới trong những năm tới.
Đón đọc Phần 1: Các xu hướng địa chính trị năm 2024