Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, năm 2021 là một năm cực kỳ khó khăn, tác động của "cơn bão" COVID-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động... 

Tuy nhiên, ngay từ khi được mở cửa trở lại, ngành da giày đã tận dụng tất cả cơ hội để phục hồi lại sản xuất. Do vậy quý I, II và III năm 2022, ngành đã có một mức độ tăng trưởng khá tốt với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% cho tất cả các mặt hàng giày dép và túi xách. 

Trong đó, đặc biệt những thị trường mà có FTA lớn như  EU hay thị trường trong khối CTTP đều có những tăng trưởng rất tốt. Và 10 tháng đầu năm, ngành đã đạt được 23 tỷ USD xuất khẩu và tăng trưởng đến gần 15%. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành da giày. 

Da giày Việt Nam hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia… Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. 

Bà Xuân cho biết, ngay từ quý I và quý II, các nhà máy vừa quay trở lại sản xuất và cũng như tuyển dụng thêm công nhân. Ngành da giày cũng đã tăng cường sử dụng nguyên phụ liệu trong nước để phục vụ đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu. 

"Khoảng 10 năm trước, tỉ lệ nguyên phụ liệu trong nước rất ít và chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài như là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, khi da giày Việt Nam tham gia vào các Hiệp định FTA, một trong những động lực để thúc đẩy phát triển nguyên phụ liệu trong nước đó chính là yêu cầu về xuất xứ phải đảm bảo thì các doanh nghiệp mới hưởng được ưu đãi về thuế. 

Đây cũng chính là một trong những lý do để các nhà sản xuất tập trung đầu tư thêm, sản xuất thêm nguyên phụ liệu cũng như là các chuỗi cung ứng từ nước ngoài đã dịch chuyển vào Việt Nam. Đặc biệt các sản phẩm như đế giày hay các mặt hàng giả da, rồi một số các nguyên liệu chính đã được sản xuất và chủ động tại Việt Nam. 

Thứ hai, chúng ta đã vận dụng rất tốt nguồn nguyên liệu sẵn có chính là cao su để sản xuất đế giày. Chúng ta cũng có một thành tích đáng kể đó là  xuất khẩu giày thể thao, giày vải đứng ở vị trí top đầu thế giới với tỷ trọng hơn 10%", bà Xuân chia sẻ. 

Phân tích từ Nghiên cứu và Thị trường cho biết, sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022-2031. Nhóm dự đoán CAGR là 8,1% trong 9 năm tới. Đến năm 2031, Tổ chức Nghiên cứu và Thị trường kỳ vọng thị trường giày dép Việt Nam sẽ đạt giá trị khổng lồ 38,7 tỷ USD - cao gấp đôi so với ước tính năm 2022 là 19,1 tỷ USD.

Phần lớn tăng trưởng của Việt Nam có thể đến khi các công ty chuyển địa điểm khỏi Trung Quốc. Các công ty như Nike đã nhấn mạnh ý định tăng cường sản xuất hơn nữa ở Việt Nam. Các yếu tố khác, bao gồm sự sẵn có của một lực lượng lao động trẻ, có định hướng, cũng có thể ảnh hưởng đến việc các công ty chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thu Ngân