Mới đây, nhiều ngư dân làng chài Phước Hải tập trung tại nghĩa địa cá Ông (còn gọi là Ngọc Lăng Nam Hải) để bốc mộ “Ông” sau 3 năm chôn cất, lo hương khói.

Nghĩa địa này rộng khoảng 2.000m2 được thành lập từ năm 1999, tại thị trấn Phước Hải nằm sát bờ biển. Năm 2011, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập đây là nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam.

nghia dia ca ong nam hai 1.jpg
Nghĩa địa cá Ông (còn gọi là Ngọc Lăng Nam Hải) rộng khoảng 2.000m2, nằm sát bờ biển thị trấn Phước Hải

Nơi đây hiện có hơn 100 ngôi mộ, nằm dưới tán rừng dương cao ngút. Ngư dân làng chài xem cá voi là hiện thân của linh thiêng, may mắn nên gọi tôn kính là "Ông". Khi cá Ông luỵ (chết), ngư dân đầu tiên phát hiện sẽ đưa về nghĩa địa chôn cất, chịu tang như cha mẹ.

W-boc-mo-ca-ong-11-1.jpg
Mộ cá voi trong khuôn viên nghĩa địa. Đầu các ngôi mộ đều có bát nhang và bia đúc xi măng ghi “Nam Hải chi mộ”, ngày tháng "Ông" lụy, cùng tên ghe lập mộ ở mặt sau

Từ sáng sớm, chủ nhân của những ngôi mộ mang theo xẻng, hương hoa quả đến cúng và cầu nguyện cho dân làng chài đi biển được “thuận buồm xuôi gió”, trước khi tiến hành bốc cốt cá Ông.

Năm nay, có 18 ngôi mộ được bốc, chôn cất từ hơn 3 năm trước.

W-ngu-dan-boc-mo-ca-ong-2-1.jpg
Ngư dân dùng xẻng, đào sâu dưới lớp cát gần 1m để bốc cốt "Ông"

Để bốc mộ, ngư dân cùng nhau dùng xẻng đào sâu dưới lớp cát gần 1m, cho đến khi bắt gặp tấm vải đỏ gói cốt (xương) cá. Sau đó, họ cẩn thận đưa lên mặt đất, tránh không để cốt cá rơi lẫn vào cát.

Hố sau khi đào được lấp lại bằng phẳng, để chỗ cho những cá Ông luỵ sau đến chôn cất.

Cốt cá Ông sau khi đưa lên, ngư dân cho vào thau nhựa rửa sạch, dùng bàn chải đánh sạch đất cát bám vào. Hầu như cốt cá Ông có màu nâu sẫm, không có mùi.

Đang cùng bạn thuyền dùng bàn chải làm sạch cốt cá, anh Trương Văn Công (39 tuổi, trú khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải) cho biết, sau khi rửa sạch qua nước, cốt cá Ông được rửa lại lần cuối bằng rượu trắng để tránh mốc.

“Cốt “Ông” tiếp đó được đặt vào tấm vải đỏ, gói lại cẩn thận và ghi tên của chủ ghe lên bề mặt vải, tránh nhầm lẫn. Sau đó, để lên xe đẩy đưa về Dinh Ông làm lễ cúng, thờ tại đó”, anh Công - ngư dân hơn 10 năm đi biển chia sẻ.

W-boc-mo-ca-ong-7-1.jpg
Anh Trương Văn Công (đội mũ đỏ) cùng bạn thuyền dùng bàn chải làm sạch cốt cá

Một số ngư dân giữ lại răng cá “Ông” để làm mặt dây chuyền, đeo cho con. Họ quan niệm rằng, khi đeo sẽ được “Ông” bảo vệ.

W-boc-mo-ca-ong-13-1.jpg
Hai cái răng "Ông" được ngư dân để lại với quan niệm đeo vào sẽ được "Ông" bảo vệ

Sau khi làm lễ tại nghĩa địa, cốt "Ông" được xếp lên xe đẩy về Dinh Ông Nam Hải cách đó khoảng 500m để cúng. Sau đó, cốt được phơi khô đưa vào đền Cửu Niệm trong khuôn viên Dinh để thờ.

Theo ngư dân làng chài Phước Hải, người đầu tiên phát hiện cá Ông lụy được coi là con trai cả, phải lập mộ, làm giỗ 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu. Vào những ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, ngư dân đến mộ thăm viếng, cầu bình an, may mắn khi ra khơi đánh bắt.

Sau 3 năm, kể từ ngày “Ông” mất, sẽ bốc cốt về Dinh Ông Nam Hải thờ tại đây, xem như “xả tang”.

W-boc-mo-ca-ong-10-1.jpg
Cốt "Ông" được đưa đến Dinh Ông Nam Hải làm lễ cúng, sau đó phơi khô đưa vào đền Cửu Niệm

Tại làng chài Phước Hải, hàng năm vào ngày 15/2 - 17/2 âm lịch, chính quyền địa phương cùng ngư dân tổ chức lễ nghinh Ông với nhiều hoạt động sôi nổi thu hút du khách thập phương về tham dự, chiêm bái.