Giải thưởng Nobel được coi là sự ghi nhận danh giá nhất đối bất cứ nhà khoa học nào. Tuy nhiên, sự chênh lệch giới tính rõ ràng vẫn tồn tại giữa những người đoạt giải Nobel, đặc biệt là trong các hạng mục khoa học như Vật lý, Hóa học và Y học.
Theo Quỹ Nobel, tính đến năm 2023, 65 giải Nobel đã được trao cho 64 phụ nữ (trong đó Marie Curie được vinh danh 2 lần) trong khi có con số đối với nam giới là 894, gấp 13 lần. 17 phụ nữ đã đoạt giải Nobel Văn học, chiếm 14,28% trong số 119 người được trao.
Ở lĩnh vực được coi là “nữ tính” nhất- Nobel Hòa bình, chỉ 19 phụ nữ đã đoạt giải, chiếm 17,1% trong số 111 người được trao.
Trong suốt 120 năm từ năm 1901-2021, 688 cá nhân đã được trao giải Nobel về Vật lý, Kinh tế, Hóa học và Y học, chỉ có 20 người nhận giải là phụ nữ.
Giải Nobel được trao cho phụ nữ nhiều nhất trong một năm là vào năm 2009, khi có 5 người đoạt giải ở 4 hạng mục trong khi vào năm 2016, tất cả giải Nobel đều được trao cho nam giới.
Năm 2019, sau gần 60 năm, Strickland là nhà vật lý nữ thứ 3 nhận được giải Nobel, sau Marie Curie (1903) và Maria Goeppert-Mayer (1963). Khi được hỏi về cảm xúc, bà nói rằng: “Tôi sống trong một thế giới vẫn chủ yếu do nam giới thống trị, nên việc nhìn thấy hầu hết là nam giới thắng giải Nobel không thực sự gây ngạc nhiên”, theo Nature.
Mặc dù đã có những tiến bộ ngày càng tăng trong những năm gần đây, với việc ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và đóng góp đáng kể vào những tiến bộ khoa học, nhưng tỷ lệ phụ nữ nói chung trong số những người đoạt giải Nobel vẫn ở mức thấp một cách không tương xứng.
Nguồn gốc của sự chênh lệch giới tính trong các giải thưởng Nobel bắt nguồn từ những thành kiến lịch sử và những rào cản mang tính hệ thống đã cản trở sự tham gia của phụ nữ vào các nỗ lực khoa học.
Trong suốt lịch sử, phụ nữ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc tiếp cận giáo dục và cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM. Các chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng xã hội thường hướng phụ nữ tới những vai trò được coi là “phù hợp” hoặc “truyền thống” hơn, dẫn đến thiếu sự đại diện trong các ngành khoa học.
Hơn nữa, những thập kỷ đầu của Giải thưởng Nobel đã chứng kiến một cộng đồng khoa học chủ yếu do nam giới thống trị. Kết quả là, phụ nữ bị hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn lực quan trọng để thực hiện những đóng góp khoa học mang tính đột phá.
Áp lực phải tuân theo các vai trò giới truyền thống, cùng với những thành kiến tiềm ẩn, tạo ra một môi trường đầy thách thức cho những phụ nữ mong muốn đạt được thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Tuy vậy, đến tận ngày nay, các rào cản mang tính hệ thống, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn tài trợ, cơ hội nghiên cứu và vai trò lãnh đạo, vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức đáng kể cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM.
Định kiến và phân biệt đối xử về giới vẫn tồn tại trong các tổ chức học thuật và khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp, sự công nhận và mạng lưới nghề nghiệp của các nhà khoa học nữ.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 63 học viện trên khắp thế giới cho thấy trung bình chỉ có 12% thành viên là phụ nữ. Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, cơ quan đã từng bỏ phiếu chống lại tư cách thành viên của Marie Curie vào năm 1910, có dưới 8% là phụ nữ.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nơi có các thành viên bỏ phiếu quyết định người nhận giải Nobel về Vật lý, Hóa học và Kinh tế, với hơn 600 thành viên Thụy Điển và nước ngoài, có dưới 13% phụ nữ. Năm 2018, Ủy ban Nobel Vật lý, Hóa học và Y học gồm 6 thành viên trong đó có 5 nam giới.
Việc thiếu các chính sách hỗ trợ và sáng kiến cân bằng giữa công việc và cuộc sống càng cản trở sự tham gia và duy trì của phụ nữ trong các lĩnh vực STEM, ảnh hưởng đến cơ hội đem đến những phát kiến đột phá và được ghi nhận giải Nobel.
Nhiều sáng kiến đang thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM như các chương trình giáo dục khuyến khích các bé gái theo đuổi STEM sớm để nuôi dưỡng niềm đam mê.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nhận thức và giải quyết những thách thức này, nhưng việc đạt được sự bình đẳng giới cao hơn trong các giải thưởng Nobel và sự công nhận về mặt khoa học đòi hỏi phải có sự cam kết và hành động liên tục từ các cá nhân, tổ chức và xã hội để tạo ra những cơ hội toàn diện và công bằng hơn cho phụ nữ trong khoa học nói riêng và xã hội nói chung.
Tử Huy