Thế giới đang chứng kiến ngày một nhiều các dự án blockchain trong lĩnh vực quảng cáo số. Tháng 3 vừa qua, ứng dụng nhắn tin Telegram vừa đưa ra tuyên bố sẽ chia sẻ 50% doanh thu quảng cáo trên nền tảng cho người dùng. Họ là các chủ kênh đồng ý tham gia mạng quảng cáo.
Số tiền này được trả về cho người sử dụng dưới dạng token tiện ích của Telegram. Trong khi đó, những doanh nghiệp, nhãn hàng có nhu cầu đặt quảng cáo trên Telegram sẽ phải giao dịch bằng token nền tảng.
Hiện các quảng cáo trên Telegram đem về 1.000 tỷ lượt xem mỗi tháng, tuy nhiên, chỉ 10% trong đó là mang lại lợi nhuận tài chính. Bằng cách chia sẻ doanh thu quảng cáo cho người dùng, Telegram đang khuyến khích họ hoạt động tích cực hơn và trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái.
Trước đó, mô hình chia sẻ doanh thu quảng cáo trực tiếp đến người dùng đã được khởi xướng bởi mạng xã hội X (Twitter). Tuy nhiên, khác với Telegram, tỷ phú Elon Musk trả tiền cho người sử dụng X bằng USD, đồng tiền được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới.
Giới công nghệ còn đang chứng kiến sự xuất hiện của các nền tảng quảng cáo số được phát triển theo mô hình “watch to earn” (xem nhận tiền). Tại đó, người dùng sẽ được tặng thưởng bằng token khi xem, tương tác hoặc tham gia chơi các tựa game trên nền tảng.
Có thể thấy xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh doanh quảng cáo dựa trên sự kết hợp giữa yếu tố social (xã hội) và blockchain. Tuy vậy, giống “move to earn” (chạy kiếm tiền) và “play to earn” (chơi game kiếm tiền) trước đây, các mô hình kinh doanh này thường bị đặt câu hỏi về tính bền vững.
Để có thể duy trì được trong một thời gian dài, các nền tảng này phải tạo ra và giữ được giá trị cho token trả thưởng. Nếu không, đó sẽ lại chỉ là những dự án sớm nở tối tàn.
Chia sẻ góc nhìn về câu chuyện này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, với trường hợp của Telegram, khi phát triển token dựa trên một cộng đồng lớn, họ sẽ có những lợi thế nhất định.
Tuy nhiên, từ góc độ hiệp hội, việc sử dụng các đồng token trong hoạt động quảng cáo trực tuyến không đem lại lợi ích, trong khi tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do giá cả luôn biến động, việc thanh toán bằng token luôn đi cùng với sự thiếu ổn định về tỷ giá. Trong khi đó, luật pháp nhiều quốc gia trên thế giới chưa chấp nhận, thậm chí cấm các giao dịch thanh toán bằng tài sản ảo.
Bình luận về mô hình chia sẻ doanh thu qua điểm thưởng cho người dùng, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, từ góc nhìn cá nhân, ông không thấy được lợi thế của việc sử dụng token để tính điểm thưởng.
Theo vị chuyên gia này, các mô hình kinh doanh quảng cáo kể trên đều có thể được phát triển bằng đồng tiền fiat (do nhà nước phát hành), bản chất không cần dùng tới blockchain. Nếu có thể không dùng blockchain nhưng vẫn cố dùng để chạy theo trào lưu sẽ chỉ làm gia tăng chi phí trong khi không mang lại nhiều giá trị.
Công nghệ blockchain chỉ phát huy giá trị đối với các nền tảng có hoạt động xuyên biên giới. Do vậy, các mạng quảng cáo, đơn vị truyền thông, xuất bản trong nước cần cân nhắc thật kỹ khi muốn ứng dụng blockchain vào hoạt động quảng cáo số.