Sáng 7/3, anh Phùng Văn Tiến (nhân viên của một kho thịt nhập khẩu ở Hà Nội) rà lại số lượng các sản phẩm trước khi gửi báo giá cho các bếp ăn tập thể mà đơn vị này đang phân phối. Anh cho biết, giá một số mặt hàng thịt nhập khẩu giảm nên phải báo lại cho đầu mối.
Ví như, thịt gà dai Hàn Quốc nguyên con cách đây một ngày giá 47.000 đồng/kg (hàng đã bỏ đầu, chân), nay giá giảm còn 43.000 đồng/kg. Hay như xương ống lợn từ 27.000 đồng/kg giảm còn 25.000 đồng/kg.
Kho hàng nơi anh Tiến làm việc đang phân phối hàng trăm mặt hàng thịt lợn, gà, trâu, bò nhập khẩu. Trong đó, các mặt hàng thịt gà có giá khá rẻ, phổ biến ở mức giá 40.000-50.000 đồng/kg; thịt lợn giá dao động từ 25.000-85.000 đồng/kg.
“Mức giá này rất rẻ so với hàng cùng loại sản xuất nội địa”, anh Tiến nói. Vậy nên, thịt nhập khẩu là nguyên liệu được các bếp ăn tập thể, quán cơm bình dân ưa chuộng.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 1 năm nay, Việt Nam chi ra 127,5 triệu USD để nhập khẩu gần 62.440 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt. So với tháng 1/2023, thịt nhập khẩu tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về giá trị.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường trên thế giới. Các chủng loại nhập về nước ta chủ yếu gồm: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 717.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.
Trao đổi với PV.VietNamNet về thịt nhập khẩu, TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thốt lên: “2-3 năm trở lại đây, lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về nước ta tăng khủng khiếp”.
Theo ông, Việt Nam đã nhập khẩu các sản phẩm thịt từ nhiều năm nay. Đáng nói, số lượng nhập chính ngạch càng ngày càng tăng, trong khi hàng nhập lậu vẫn ồ ạt tràn về.
Ông dẫn chứng, trước kia nhập khẩu thịt lợn chưa bao giờ vượt quá 5.000 tấn/năm. Giờ lượng nhập về lên tới gần 300.000 tấn móc hàm/năm, quy ra lợn hơi khoảng gần 400.000 tấn, chiếm trên 10% lượng thịt lợn sản xuất trong nước. Chưa kể, còn số lượng lợn nhập khẩu tiểu ngạch không thống kê được.
Tương tự, gia cầm trước chỉ nhập khẩu 80.000-90.000 tấn/năm, giờ khoảng trên 250.000 tấn/năm, quy ra cỡ 350.000 tấn hơi. Tính ra, nhập khẩu chiếm tới 25-27% so với sản xuất trong nước.
Ngoài ra, nhập khẩu thịt trâu, bò cũng tăng mạnh. Không chỉ nhập thịt và phụ phẩm móng vó, tim, nội tạng… ở dạng đông lạnh, lượng bò sống nhập từ Úc về khoảng 500.000 con/năm để vỗ béo giết thịt. Một lượng lớn trâu, bò nhập khẩu tiểu ngạch không thể thống kê được. Theo đó, lượng thịt trâu, bò, cừu, dê nhập khẩu chiếm trên 60% thị phần trên thị trường.
Ông Dương cũng nhấn mạnh, nước ta đang nhập rất nhiều sản phẩm chăn nuôi thải loại ở các nước về làm thực phẩm. Điển hình, gà đẻ loại thải (gà hết chu kỳ khai thác trứng) nên Thái Lan, Hàn Quốc không dùng làm thực phẩm thì xuất khẩu sang Việt Nam với giá chỉ 20.000 đồng/con. Về đến biên giới giá thành khoảng 40.000 đồng/con và đưa ra thị trường bán với 50.000-60.000 đồng/con.
“Loại gà này thịt dai giòn giống như gà ta, hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Giá nhập quá rẻ nên thành món hàng siêu lợi nhuận”, ông nói. Hay như các phụ phẩm lòng mề, chân, cổ, cánh, da gà… ở các nước họ coi là phụ phẩm, nhưng lại đưa về ta làm thực phẩm.
Theo ông Dương, gà đẻ có một chu kỳ khai thác trứng khá dài. Trong quá trình nuôi gà được tiêm nhiều loại vắc xin, uống kháng sinh… để phòng và trị bệnh. Thế nên, trong cơ gà thể thường tồn dư nhiều loại thuốc, đem làm thực phẩm sẽ không đảm bảo an toàn.
Tương tự như gia cầm, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu chính ngạch cũng phần lớn là thứ phẩm của lò mổ như nội tạng, thủ, móng giò… Ngoài ra, còn một khối lượng lớn lợn sống được nhập vào theo dạng tiểu ngạch (nhập lậu) khoảng 7.000-10.000 con/ngày mà chất lượng cũng không biết thế nào.
Hiện nay có khoảng 7.000-10.000 con nhập lậu về nước ta mỗi ngày. Có những loại lợn giá bán tại thời điểm này ở cửa khẩu chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Ông đặt nghi vấn về chất lượng lợn nhập khẩu, thậm chí với giá rẻ thì chỉ là bị bệnh.
Ông Dương cho rằng, những thực phẩm kém chất lượng, là thứ phẩm khi nhập về dùng làm thực phẩm chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Còn với ngành chăn nuôi, hàng nhập về ồ ạt khó kiểm soát dịch bệnh. Chưa kể, chăn nuôi nội địa khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi lao đao. Người nuôi lợn, gia cầm liên tục thua lỗ nặng. Thậm chí, người chăn nuôi trâu bò trước bán được 25-30 triệu đồng/con, nay chỉ còn 12-15 triệu đồng/con – tức lỗ nặng.
Thế nên, cơ quan chức năng cần phải chặn hàng nhập lậu và có hàng rào kỹ thuật kiểm soát chặt nhập chính ngạch để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước cũng như sức khỏe người tiêu dùng, ông Dương kiến nghị.