Mới đây, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra một trong những khó khăn của ngành là tình trạng thiếu giáo viên không ngừng gia tăng. Hiện cả nước vẫn thiếu hơn 127.000 giáo viên. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9, toàn quốc có hơn 17.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Thực trạng này khiến không ít người băn khoăn, bởi thực tế, rất nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp vẫn không xin được việc.

Bình luận trên VietNamNet, độc giả Thanh An bày tỏ: “3 người cháu họ của tôi đều học Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, đã tốt nghiệp loại Khá, thế nhưng 7 năm nay vẫn không xin được vào nghề “gõ đầu trẻ”. Đến nay một cháu đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), một cháu phải theo nhà chồng chạy chợ, một cháu trai “bẻ lái” sang nghề xây gạch. Vậy tại sao vẫn nói đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên?”.

Một độc giả khác cho biết dù nhiều kênh thông tin nói về tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, nhưng thực tế số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đang thất nghiệp, làm trái nghề rất đông. “Để được vào ngành công tác cũng rất khó khăn bởi vô vàn lý do, rào cản. Đó là một nghịch lý hiện nay”, độc giả này bày tỏ.

Độc giả Đạo Trần Hưng cho rằng nhiều cử nhân sư phạm không theo ngành vì để được tuyển còn dựa vào rất nhiều yếu tố. “Như vợ tôi là giáo viên cũng đang đi bán hàng cho siêu thị, không có cơ hội được làm đúng nghề”.

Nhiều độc giả cho rằng chuyện thiếu giáo viên nhưng sinh viên ra trường vẫn không có việc làm là thực tế đang diễn ra tại các địa phương.

giao vien 3.jpeg
Giáo viên một trường THPT (Ảnh minh họa)

Muốn giáo viên mặn mà với ngành, theo nhiều độc giả, trước hết cần khắc phục những bất cập như nâng lương để giáo viên có thể sống được bằng nghề, cắt giảm các hoạt động không đúng với chuyên môn mà giáo viên bắt buộc phải tham gia...

Độc giả Huỳnh Anh cho biết, việc thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc rầm rộ do nhiều nguyên nhân, trong đó có chế độ tiền lương chưa tương xứng với công việc, nhất là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày.

Bên cạnh đó, do đổi mới sách giáo khoa, chẳng hạn giáo viên được đào tạo môn Vật lý giờ đây phải đi tập huấn thời gian hè để dạy thêm môn Toán và Hóa, đã gây nhiều áp lực khi lên lớp vì không đúng chuyên môn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Chưa kể tới chuyện khi sử dụng SGK, Sở GD-ĐT thường định hướng sử dụng bộ sách dùng chung cho cả tỉnh, nhưng khi có học sinh tỉnh khác chuyển tới trường lại không đồng bộ với bộ sách đã học trước đây. Điều này cũng khiến cho giáo viên thêm phần vất vả.

Độc giả Mai Thanh An cho rằng thực tế hiện nay vẫn có những học sinh thích theo đuổi ngành sư phạm. Nhưng bên cạnh đó, sự thờ ơ của học sinh đối với nghề này ngày càng lớn do số lượng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm ngày một tăng, chưa kể tình trạng tiêu cực diễn ra ở nhiều địa phương. Chính vì thế, nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.

Chia sẻ trên một diễn đàn của giáo viên, người dùng Vũ Văn Anh cho rằng tình trạng nhiều cử nhân sư phạm không xin được việc trong khi vẫn thiếu giáo viên là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên thực tế sự thiếu hụt giáo viên hiện nay thường tập trung chủ yếu ở một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… những nơi có điều kiện khó khăn. Trong khi đó, nhiều cử nhân sư phạm lại muốn làm việc ở các thành phố lớn nên không có nhiều cơ hội.

Ngoài ra, thu nhập của giáo viên không cao so với những công việc khác đòi hỏi cùng trình độ, công sức. Điều này khiến nhiều người lựa chọn ngành nghề khác để đem lại thu nhập cao hơn.

“Giáo viên giờ đây cũng yêu cầu nhiều kỹ năng khác nhau với rất nhiều đòi hỏi mà cử nhân sư phạm khó có thể đáp ứng. Chưa kể đến việc để được vào biên chế cũng không phải chuyện dễ dàng, trong khi lương hợp đồng bèo bọt, chế độ không đủ sống.

Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp, nhiều lần vất vả nộp hồ sơ xin vào biên chế không được, đành phải xin vào một trường tư để cố theo nghề. Cho nên có thực lực, bằng cấp, chứng chỉ cũng chưa chắc đã đủ để sống với nghề".

Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi vào phần bình luận của bài viết hoặc gửi về email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.