Triển lãm Long Vân khánh hội - Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Dịp này, hơn 100 cổ vật hình tượng rồng được trưng bày để công chúng thưởng lãm dịp Tết Giáp Thìn 2024. 

W-batch-ddz5106476702044-df45b95cf2f38e879c804eb4b0529f57-1.jpg
Không gian trưng bày trong triển lãm. 

Triển lãm gồm 4 phần chính, gồm rồng trong cung đình, đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo và kiến trúc. Các bộ sưu tập này thuộc bảo tàng và một số nhà sưu tập tư nhân 2 miền Nam - Bắc. 

Trong tâm thức của người Việt và văn hóa phương Đông nói chung, rồng là cội nguồn của dân tộc - đi ra từ truyền thuyết, là biểu tượng của vương quyền, sự phồn vinh, may mắn. Hình tượng rồng hiện diện trong mọi mặt đời sống từ kiến trúc, trang phục, đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến các lễ hội.

Các hiện vật với mảng đề tài rồng trong cung đình thu hút sự chú ý của khách tham quan. Nhóm này có đồ gốm ngự dụng thời Lê Trịnh và thời Nguyễn; Các bộ long bào triều Nguyễn thêu hình rồng năm móng; Sách phong và ấn chương gắn với các nhân vật lịch sử của triều Nguyễn...

Hai bộ trang phục của vua nhà Nguyễn được chế tác kỳ công từ thế kỷ 19. Theo quy định, trang phục của vua gồm nhiều loại, dùng cho từng dịp khác nhau, lấy màu vàng làm chủ đạo. Hình trang trí đều là rồng năm móng, biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của hoàng đế.

W-batch-ddimg-7510-1.jpg
Ngọc dụ bằng vải thêu có niên đại từ năm 1845. 
W-batch-ddimg-7521-1.jpg
Hộp đựng sắc phong được làm bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng. Vật phẩm thuộc giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

Đặc biệt nhất là ngọc dụ bằng vải thêu và sắc phong thần bằng giấy thời vua Thiệu Trị là những hiện vật lần đầu tiên được ra mắt công chúng. 

Hình tượng rồng trong kiến trúc được thể hiện qua các hiện vật bằng đất nung như gạch xây dựng, phù điêu trang trí trên mái cung điện thời Lý, Trần, Lê. 

Qua mỗi món vật, người xem có thể hình dung về sự thay đổi, biến chuyển hình dáng của rồng qua từng thời kỳ. Ảnh bên trái là đầu rồng bằng đất nung thời Trần (1225-1400) dùng để trang trí trên cung điện ở Hoàng thành Thăng Long. 

Hình tượng rồng cũng được mô phỏng trong thờ cúng tín ngưỡng tôn giáo: lư hương, bát nhang, ngai thờ, khám thờ, chân đèn… hay các món đồ dùng trong đời sống sinh hoạt gồm: chén, bát, đĩa, bình, khay, hộp, đồ trang sức…

Các vật phẩm có giá trị cao về lịch sử, văn hóa. Khách tham quan thông qua chú thích hoặc quét mã QR code để truy cập, tìm hiểu thêm thông tin.

Rồng ứng dụng trong đời sống, qua các vật phẩm như ly tách, bình... Tất cả đều được vẽ tay hoặc điêu khắc với hình dáng phong phú.

Hình tượng rồng qua mỗi thời kỳ có sự khác biệt về hình dáng, thẩm mỹ. Các hiện vật do đó cũng đa dạng họa tiết, từ tả thực đến yếu tố cách điệu, bay bổng, uyển chuyển phù hợp để trang trí. 

W-batch-ddimg-7533-1.jpg
Chuông đồng được chạm khắc nhiều hoa văn, họa tiết, nổi bật với quai chuông hình rồng. 

Chiếc chuông đồng được chế tác năm 1800 trong thời trị vì của vua Cảnh Thịnh (1792-1802) - hoàng đế cuối cùng của nhà Tây Sơn được đặt giữa trung tâm triển lãm. Đây là giai đoạn phát triển về nghề đúc đồng, với chi tiết chạm trổ tinh xảo phần quai chuông hình rồng. 

Đế trang trí gỗ từ đầu thế kỷ 20 được chế tác tỉ mỉ với họa tiết rồng uốn lượn. 

Các đề tài được sử dụng thường là “Lưỡng long chầu nhật”, "Long vân", “Long hàm Thọ”… nhằm chuyển tải mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. 

Ở phương Đông, rồng gắn liền với lịch sử phát triển, biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng.

W-batch-ddimg-7535-1.jpg
Ghế gỗ được phủ sơn, thân ghế họa tiết mây và thân rồng uốn lượn. 

Tại Việt Nam, qua các giai đoạn phát triển, rồng trở thành biểu tượng xuyên văn hóa, biểu tượng Việt Nam trong kết nối với khu vực và thế giới hướng đến tương lai phát triển và hội nhập và còn là biểu tượng chiến thắng mọi hoàn cảnh và vươn cao vị thế đất nước.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phân tích: “Qua thời gian, biểu tượng rồng đã được con người thay đổi theo điều kiện tự nhiên và xã hội, được sử dụng theo những mục đích khác nhau, có những sự khác biệt nhất định trong từng giai đoạn lịch sử Việt Nam. Sự khác biệt ấy thực chất chính là sự điều chỉnh của cư dân Việt Nam nhằm biến đổi và phản ánh không gian tự nhiên - xã hội của Việt Nam”.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 31/3 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Lê Minh