- Cụ Dung ngồi đó, cụ đang ăn bánh cuốn với nước mắm một cách khó nhọc ở hiên nhà. Thấy người đến, cụ vội cất bát nước mắm đi… tay run cầm cập, miệng lắp bắp, cụ nói không thành lời. 

TIN BÀI KHÁC:


Chuyến phà những ngày cuối năm đưa chúng tôi đến thôn Bến Bính B (xã Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Một địa điểm ngay sát thành phố Hải Phòng sầm uất nhưng từ lâu lại là nơi chìm trong đói nghèo, nghiện ngập và bệnh tật. Nơi đây từng là bối cảnh của bộ phim buồn “Xóm Bờ Sông” hàng chục năm về trước. Nay trở lại nơi đây, những cảnh buồn ở đời thực vẫn còn đó.

Xin chết có hộ tịch, xin tết có một chút tiền…

Sáng nay, khi bước ra cửa để đi vào thành phố Hải Phòng xin ăn, cụ Mai Thị Dung đã đi lật đật. Sau đó, cái chân đau đi không vững khiến cụ bị đập mặt xuống đất đến mấy lần… Thế nhưng cứ nghĩ đến việc ngày tết sắp đến, chưa có gì trông vào thì cụ lại cố đứng dậy và bước tiếp. Ngã đến 3 lần, thì cụ được mấy người hàng xóm đỡ vào nhà.

Cụ Dung xin chết có hộ tịch, xin tết có một chút tiền…
Thương cụ già cô độc những ngày cuối năm người hàng xóm cho bà một phần bánh cuốn, ăn đỡ lạnh buổi chiều.

Bao nhiêu năm rồi cụ Dung vẫn sống một mình như thế, trẻ buôn bán rau dưa, già đi xin ăn kiếm sống. Nếu đau ốm bệnh tật thì cũng chỉ có một mình.

Căn nhà cụ đang ở, có diện tích gần 10m2 thế nhưng trống vắng, hoang lạnh. Trong nhà có một góc để quần áo, chăn màn cũ được cho. Một góc kê một chiếc giường ngủ và để những đồ đạc cũ kĩ rách bươm.

Cụ Dung là người hay tủi, cứ nói chuyện của mình là nước mắt ứa ra. Nước mắt chảy ra cùng những dị vật ở mắt màu đục. Cụ nói từ “khổ lắm” mà nghèn nghẹn không thành tiếng. Cụ nói về cuộc sống của mình: “Quần áo bà mặc là của bà già bên bến sông cho. Bánh cuốn bà ăn là hàng xóm thương cho. Bà có một mình thôi - khi trẻ cũng vậy, khi già cũng vậy. Hằng ngày bà đi ăn mày, ăn xin. Nếu bà chết được thì tốt quá! Mà làm sao ông trời không cho bà chết?”.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan trưởng thôn Bến Bính B cho chúng tôi biết, cụ Dung đến xóm sống từ nhỏ, thời trẻ cụ không lấy chồng. Khi có sức khỏe cụ chạy chợ buôn bán nhưng thất bát. Khi về già cụ đi ăn xin. Năm nay cụ đã gần 100 tuổi nhưng chưa hề có hộ tịch. Cụ không có người thân chăm sóc cũng không được hưởng trợ cấp cho người già (vì cụ không có hộ tịch tại địa phương).

Rất thật thà, chị Loan chia sẻ nỗi lo về hoàn cảnh của cụ Dung: “Cụ còn đang sống, nhưng người già không biết ngày hôm nay, ngày mai thế nào. Nói là lo xa nhưng cũng là có trách nhiệm với cụ, nếu cụ mất không có tiền mai táng phí thật khổ”.

Năm mới sắp đến, chị Loan ước cho cụ Dung có hộ tịch. Và là người chứng kiến trực tiếp cảnh sống của cụ, chúng tôi mong các nhà hảo tâm mang đến cho cụ một cái tết ấm.

Mong em Sinh, có việc làm!

Chiều bên sông hoen màu khói bếp, chúng tôi tiếp tục đến những gian nhà có hoàn cảnh đặc biệt ở Bến Bính B.

Anh Lê Văn Hắc đang ngồi bần thần ở cửa nhà và nhìn xa xăm. Anh kể chuyện: Anh làm nghề xúc cát ở bến sông. Nhà anh có một người em nghiện hút, nên anh sợ cảnh nghiện ngập. Nhiều người ở xóm này muốn thoát nghèo đã làm ăn phi pháp nhưng anh Hắc dứt khoát không làm vậy. Anh không theo các bạn ôm “ma túy”, không theo các bạn dùng ma túy…

Mơ ước về một công việc cho Sinh, là mơ ước thay đổi cho cuộc đời của nhiều người trong gia đình ấy
Hằng ngày anh Hắc theo thuyền xúc cát, kiếm cân gạo về nuôi vợ, nuôi con. Một ngày tối trời cách đây mấy năm, khi đi xúc cát về, người ta bảo vợ bỏ đi rồi… Anh Hắc tâm sự rất thật: Mình rất cố gắng gìn giữ gia đình mà không được, vợ bỏ mình vì gia đình khốn khó quá!

Vợ đi, bỏ lại cho anh 3 người con. Hai con nhỏ còn đi học, con lớn là Lê Thị Sinh sau khi nghỉ học thì ở nhà. Sinh hết xuống bếp lại lên nhà, con gái lớn trong nhà không có nghề nghiệp, chỉ đi với đứng làm bố xót ruột…

Ý thức được gia cảnh nhà mình, anh Hắc trăn trở: Cảnh nhà mình là một cảnh buồn. Mình muốn con cái lớn lên bớt nghèo và không bị ám bởi cảnh buồn ấy. Thế nhưng, trong năm mới, nếu con lớn vẫn là gánh nặng của bố thì bố lại phải để 2 con nhỏ nghỉ học, tăm tối lại tiếp tục tăm tối…
Bởi vậy anh Hắc mong mỏi em Sinh (16 tuổi) xin được việc làm thì gia cảnh của nhà anh sẽ khác. Hai đứa nhỏ kia vẫn được đi học, sự nhọc nhằn trên vai người cha xúc cát cũng sẽ bớt đi.

Mơ ước về một công việc cho Sinh, là mơ ước thay đổi cho cuộc đời của nhiều người trong gia đình ấy.

Thời điểm cận tết, mọi sự giúp đỡ của bạn đọc nếu có thể xin đến tận nơi và gửi đến trực tiếp nhân vật được đề cập trong bài viết.

Hùng Sơn

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Đến trực tiếp: Cụ Mai Thị Dung, thôn Bến Bính B (xã Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
- Gia đình anh Lê Văn Hoắc, thôn Bến Bính B (xã Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cụ Mai Thị Dung ở Hải Phòng hoặc ủng hộ anh Lê Văn Hoắc ở Hải Phòng)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

Qua TK ngân hàng Viettinbank
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 1020.1000.158.2330
Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand
- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Swift code:ICBVVNVX122

3. Hoặc trực tiếp đến báo VietNamNet
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vnbáo VietnamNet