-Bài: Ăn lương tối thiểu khó kiếm người yêu thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.

Các tin liên quan

Thu hồi đất của người này, bồi thường người khác?

Tự nguyện quan hệ, nếu gia đình bạn gái kiện thì sao?

Vợ đẹp là vợ người ta!

Thử ADN xong...mất cả vợ lẫn con

Tin bạn thân...tôi mất chồng


30 tuổi rồi, vẫn “lính phòng không”

Nhiều bạn trẻ như Nguyễn Thanh Phong, Nguyen Cuong, Van Hung Trinh, Thanh Phong… đọc xong bài viết này đều cảm thấy đúng với xã hội hiện tại, có cảm giác…vã mồ hôi vì mình cũng có tình cảnh tương tự; công việc bấp bênh không ổn định, thu nhập quá thấp.

Bạn Ngô Minh Đức bộc bạch: Tôi ra trường và vào biên chế nhà nước 4 năm rồi, nhưng lương cơ bản vẫn chưa vượt được con số 3 triệu. Ăn còn chưa đủ, nói chi đến du lịch, giải trí? Bạn Thanh Phong chia sẻ nỗi băn khoăn: Lương không đủ uống cà phê, làm sao mơ tới quen bạn gái? Bạn Phan Hưng lo ngại: Ế thôi, lương 3 triệu thì nỏ dám đi mô ra khỏi nhà. Chán cho cái cơ chế lương bổng không hỗ trợ người trẻ mới vào nghề gì cả! Bạn Nguyễn Văn Luật ‘băn bẻ’: Lương 5 triệu đây cũng chẳng dám yêu nữa là 3 triệu?

Bạn Nguyen Ba Vinh có giọng bình tĩnh hơn: Bài viết này rất đúng với nhiều thanh niên trẻ xa quê lập nghiệp. Mình cũng rơi vào trường hợp như thế. Mong rằng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn cho chúng mình đỡ vất vả.

{keywords}.
Ảnh minh họa
Sau khi nhận xét “bài báo đã nêu đúng thực tế tình hình hiện nay”, một bạn có biệt danh  Công chức trẻ, email vht3983@gmail.com viết: Mình là một công chức công tác ở Văn phòng UBND một huyện miền núi với đồng lương còm cõi 3.300.000 đồng/tháng. Mình đi ra đường sơ vin đóng thùng, giày da có vẻ oai lắm, nhưng trong túi lúc nào cũng chỉ có vài chục nghìn để ăn sáng. Công việc ở văn phòng cũng rất nhiều, làm việc liên tục, nhưng càng làm càng thấy mình nghèo kiết xác, đâm ra chán. Trong cơ quan cũng có nhiều chuyện nảy sinh ra suy nghĩ tiêu cực: Đâu phải cứ có năng lực, chăm chỉ mà được cất nhắc? Phải là con ông cháu cha, phe cánh, quan hệ, v.v… mới được bổ nhiệm. Ngần ấy lý do nên mình cũng chả yêu, chả đương gì cả, đến nay đã 30 tuổi rồi mà vẫn " lính phòng không".

Đó là thực tế dẫn đến góc nhìn của email hoangqtqb@gmail.com: Thật sự bây giờ “có thực mới vực được đạo”, không như ngày xưa 1 túp lều tranh 2 quả tim vàng!

Bạn Võ Hồng Lợi may mắn hơn, đã có vợ và 1 con 16 tháng tuổi, nhưng lại có những âu lo khác: Tôi làm tại Trung tâm dạy nghề huyện với mức lương  2.680.000đ/1tháng.  Lương tôi chỉ đủ cho con uống sữa 1 tháng, lương vợ tôi cũng bằng lương tôi nên co kéo lắm cũng chỉ đủ cho gia đình tôi sống trong 1 tháng, Khi đi ăn giỗ, đi đám cưới là phải vay mượn tiền... Đôi lúc tôi cũng muốn bỏ việc cơ quan về làm thuê (1 tháng 4,5 triệu bao cơm ngày 2 bữa), nhưng vợ tôi động viên cố gắng một thời gian nữa, được tăng lương sẽ đỡ khổ. Đọc bài này tôi thấy các bạn mới ra trường mà làm việc cho cơ quan nhà nước hầu như giống nhau thì phải? Ông bà ta thường nói “ Có thực mới vực được đạo” nhưng những người trẻ như chúng tôi lương không đủ sống thì làm sao mà cống hiến hết mình, làm việc hết mình được?

Không  xu dính túi, người yêu  quấn quýt suốt ngày?


Một bạn đọc tự xưng là “công chức già” nhưng lại lấy biệt danh rất trẻ: Bé Điệu, email bedieu187@yahoo.com.vn, nhìn nhận: “Sinh viên mới ra trường vào các cơ quan Nhà nước, mức lương khởi điểm có thấp, nhưng còn tốt hơn nhiều so với nhiều người không xin được việc. Sinh viên mới ra trường tuy chưa có kinh nghiệm nhưng năng lượng thì tràn trề”. Vì thế, bạn đọc này đề xuất: “Nếu Nhà nước quy định lại bậc lương thì phù hợp hơn. Ví dụ: Lâu nay chuyên viên cứ sau 3 năm được nâng bậc 1 lần, hệ số nâng bậc là 0,3, nay nên quy định lại là: Đối với công chức trẻ (có độ tuổi từ ... đến…) chỉ cần 2 năm thì nâng bậc một lần; hoặc hệ số nâng bậc 0,4 chẳng hạn. Tôi tuy là công chức già nhưng tôi thấy như vậy công bằng hơn”.

Có một bạn đọc lấy cái tên khá lạ tai: Jin Ping, email jinping166@gmail.com. Không biết bạn này quá gặp may hay khôi hài để tự động viên mình khi viết: “Tiền chỉ là phù du các bạn ạ, đừng quan trọng quá vấn đề tiền bạc. Mình thất nghiệp không 1 xu dính túi mà người yêu cứ quấn quýt suốt ngày đây. Mình không giàu về tiền bạc, mà giàu tình cảm”.

“Khó khăn là khó khăn chung, trong hoàn cảnh của xã hội mình. Chúc các bạn luôn có niềm tin vào bản thân để vượt qua nhé”! Đó là lời nhắn nhủ của bạn Vu Ngoc Minh.

Còn bạn Hoang Minh thì mong mỏi: Bài viết này được các vị lãnh đạo nhà nước đọc, có hướng khắc phục cho tầng lớp trẻ ăn lương tối thiểu như chúng tôi được nhờ.

Ban Bạn đọc