- Chúng em là sinh viên ở khu trọ, hiện vẫn chưa đăng kí giấy tạm trú. Gần đây bọn em bị trộm vào phòng trọ, trộm mất một số tài sản và laptop, do chưa đăng kí tạm trú nên công an không giải quyết.

TIN BÀI KHÁC

Xin luật sư cho biết, chúng em vi phạm luật gì và bạn em phải giải quyết như thế nào?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Về câu hỏi của bạn, Luật Giải Phóng tư vấn như sau:

-Về việc không đăng ký tạm trú:

Theo quy định tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội:

Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú;

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật cư trú 2006:

2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Việc bạn của bạn không đăng ký tạm trú theo quy định là hành vi vi phạm hành chính. Việc đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền tố giác tội phạm và nghĩa vụ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của cơ quan công an phường.

-Về việc tố giác tội phạm:

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003

Điều 101. Tố giác và tin báo về tội phạm

Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Điều 103. Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Như vậy, khi nhận được tin báo về tội phạm, cơ quan công an phường có nghĩa vụ phải tiếp nhận thông tin và chuyển vụ việc lên cho công an quận. Việc công an phường không tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của bạn là không đúng với quy định của pháp luật.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).