- Hiện tôi đang có thai 5 tháng, bạn trai và gia đình bạn trai không hề muốn có trách nhiệm gì với đứa con của tôi, còn ép tôi bỏ đứa bé. Tôi được biết nếu ép người khác phá thai, cũng đồng nghĩa với tội giết người theo Bộ luật hình sự. Tôi sẽ sinh đứa trẻ vì không muốn bỏ.

TIN BÀI KHÁC

Vậy tôi có quyền kiện bạn trai và gia đình anh ta hay không? Sau này tôi có được quyền yêu cầu anh ta ra tòa để truy nhận cha con cho con tôi không?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Trường hợp của bạn, Luật Giải Phóng tư vấn như sau:

Hành vi ép bạn phải phá thai của người bạn trai và gia đình cậu ấy chưa được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Việc quyết định sinh hay bỏ đứa bé là quyền tuyệt đối của bạn. Tuy nhiên, nếu hành vi ép người khác phá thai thể hiện ra bên ngoài bằng các hành khác như đánh đập, giam giữ, áp tải đến nơi phá thai, khủng bố tinh thần là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự.

Sau khi con bạn được sinh ra, đứa bé được xác định là con ngoài giá thú. Theo điều 4, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em thì "Trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật".

Như vậy, ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, như quyền được khai sinh, quyền được mang quốc tịch, quyền được thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Ngoài ra con ngoài giá thú còn được hưởng đầy đủ các quyền khác về nhân thân được hiến định và quy định tại Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế...

Nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại điều 50 của Luật Hôn nhân và Gia đình: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của luật này”.

Trường hợp của bạn, để được người cha đứa bé thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, bạn cần tiến hành thủ tục nhận cha cho con ngoài giá thú. Theo đó, cả cha và mẹ đứa bé cùng có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành làm thủ tục nhận cha cho con. Trong trường hợp, người cha không thừa nhận đứa bé là con mình, bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án cấp huyện để yêu cầu tòa án giải quyết việc truy nhận cha cho con.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).