- Câu chuyện thương tâm về chiếc xe ô tô bị dòng nước cuốn trôi khiến 5 người chết ở Nghệ An làm dư luận bàng hoàng. Giá như người lái xe thận trọng hơn, giá như dòng nước không quá hung dữ, và… giá như cái barie đủ dài để choán hết con đường!
TIN BÀI KHÁC:
Chiếc barie có thể chỉ là một cây tre, một thanh gỗ trên con đường hẹp nhưng nếu bảo đảm đúng tiêu chí của một thanh chắn thì nó đã có thể cứu sinh mạng của nhiều người. Tiếc rằng, như lời kể của nạn nhân còn sống sót, cái barie đó chỉ đủ chắn nửa con đường. Chiếc xe, trong sự vội vã có phần tắc trách của người lái, một cán bộ thanh tra giao thông sắp nghỉ hưu không thể nói là non kinh nghiệm, đã cố lách vào khoảng trống mà chiếc barie không với tới để rồi chỉ mấy phút sau đã bị cuốn phăng đi với 5 sinh mạng con người.
Hình ảnh chiếc xe bị lũ cuốn được trục vớt lên |
Chiếc barie đã không làm tròn phận sự của nó là ngăn chặn hành động mạo hiểm trên đường. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, sự nửa vời của hàng rào luật pháp có thể gây thiệt hại cho cộng đồng nhiều hơn thế. Một công ty chôn giấu thuốc trừ sâu ngay giữa khu dân cư , triệt hạ sự sống dài lâu, với phạm vi ảnh hưởng không lường hết được chỉ bị phạt vài trăm triệu. Vài bác sĩ trong bệnh viện điềm nhiên sử dụng phiếu xét nghiệm máu “nhân bản” để ăn tiền bảo hiểm, bất chấp tính mạng cả trăm, cả ngàn người bệnh nhưng khung xử tội nếu chỉ xét trên số tiền chiếm đoạt có thể sẽ là rất nhẹ. Rồi nhà máy thuỷ điện xả lũ không báo trước làm tan hoang cả một thị trấn, gây chết người mà chưa biết quy trách nhiệm cho ai...
Luật hình chưa khép kín mức xử phạt thoả đáng cho những hành vi xâm hại nguy hiểm cho cả cộng đồng là một nhẽ. Nguy hiểm hơn, người thực thi luật, cụ thể là đội ngũ cán bộ công chức còn thiếu trách nhiệm với công việc. Nhiều người đồng tình với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông nhận xét quá nửa đội ngũ công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”, chưa làm tròn chức phận. Cảnh sát giao thông nấp trong chỗ vắng để toét còi là mới chuyên chú trách nhiệm xử phạt chứ chưa quan tâm đến nhiệm vụ hướng dẫn và cảnh báo. Chính quyền chỉ chuyên chú phong tặng danh hiệu “làng cổ” nhưng không quan tâm hỗ trợ người dân sinh sống để yên tâm bảo vệ di tích thì danh hiệu cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Rồi tình trạng nói dối, né tránh trách nhiệm đã thành một “nghệ thuật”, một thứ văn hoá ngược, một “kĩ năng” của không ít công chức. Vị tổng giám đốc một công ty công ích gõ gậy chơi golf vào đầu người phục vụ đến ngất xỉu nhưng lại giải thích là “đùa”, đến nỗi ông phó ban Tuyên giáo Thành uỷ cũng phải bức xúc: “Nói là đùa thì không ai nghe được. Khi quá nhiều vụ việc sai phạm, bê bối trong ngành y tế bị phát giác khiến dư luận bất bình, đại biểu quốc hội chất vấn trách nhiệm người đứng đầu, vị nữ bộ trưởng vẫn có cách để trở thành “quan sát viên”, vô can: “Người cố tình làm sai chỉ có nội bộ mới biết chứ thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”. Chao ôi, nếu cơ sở cứ trình báo cáo sáng choang ra là thanh tra chịu chết thì dân trả lương, nhà nước đào tạo, rồi hội thảo, nước ngoài, nước trong bồi dưỡng nghiệp vụ mấy công bộc thanh tra làm gì cho tốn công, tốn của, thưa bà bộ trưởng?
Sau tai nạn thương tâm vẫn chưa thấy ai nói đến việc thay thế chiếc barie nửa vời bằng một thanh chắn dài hơn. Tương tự, lộ trình để chấn chỉnh, thanh lọc đội ngũ cán bộ công chức thiếu trách nhiệm và vô cảm cũng chưa được để ra dứt khoát. Có ông chủ tịch tỉnh than trời rằng rà soát thấy sở ban ngành nào cũng thừa người, trình độ lơ mơ, trách nhiệm kém mà tìm đủ cách cũng chẳng đuổi được ai.
Lại nhớ đến chuyện ba cán bộ ngành y chịu đủ nguy hiểm thử thách đứng lên tố cáo chuyện ăn gian nhân bản phiếu xét nghiệm của ông giám đốc mà chỉ được tuyên dương với 320 ngàn đồng tiền thưởng. Công tác khen thưởng, kỉ luật vốn là động lực phát triển mà cũng lưng chừng như thế, chả trách ngày càng thêm nhiều công bộc nửa vời, đủ tháng là lên lương, đủ tuổi là… lĩnh huân chương, dù ý thức trách nhiệm của họ có khi còn ngắn hơn cả cái barie gián tiếp gây ra cái chết thương tâm của 5 sinh mạng con người.
TS. Đỗ Chí Nghĩa