- Tôi biết người nào đã thuê người theo dõi tôi, tôi chưa rõ mục đích họ theo dõi tôi để làm gì nhưng lúc nào tôi cũng thấy lo lắng và bất an.

TIN BÀI KHÁC:

Xin chào luật sư. Thời gian gần đây, tôi rất lo lắng vì mỗi khi tôi đi đâu làm gì đều có người theo dõi sát. Tôi biết người nào đã thuê người theo dõi tôi, tôi chưa rõ mục đích họ theo dõi tôi để làm gì nhưng lúc nào tôi cũng thấy lo lắng và bất an.

Tôi đã định tới gặp họ để trao đổi thẳng thắn nhưng sợ khi tới họ không dám đối mặt nói thẳng sự thật. Xin hỏi luật sư, bây giờ tôi phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này. Hành động theo dõi của họ có vi phạm pháp luật hay không? Và tôi phải nhờ tới cơ quan nào, công an hay tòa án… để giúp tôi thoát khỏi tình trạng này.

{keywords}
Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Chào bạn, tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Quyền bí mật đời tư của cá nhân là quyền được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điều này được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS). Theo khoản 2 Điều 38 BLDS thì “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Vì vậy, hành vi theo dõi người khác vì bất cứ mục đích gì mà không được phép sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Để thoát khỏi tình trạng bị theo dõi trên, trước hết bạn cần phải thông báo sự việc cho tổ dân phố, ủy ban nhân dân phường nơi bạn cư trú để yêu cầu hỗ trợ, tăng cường an ninh trong khu vực. Mặt khác, khi có đầy đủ chứng cứ xác định kẻ đang theo dõi bạn là ai, bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến công an phường nơi bạn cư trú để tố giác hành vi vi phạm pháp luật của người đó. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo kèm theo các chứng cứ cần thiết.

Ngoài ra, nếu có cơ sở để chứng minh hành vi theo dõi nói trên gây thiệt hại về vật chất và tinh thần của bạn thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đơn khởi kiện nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại tòa án nhân dân cấp huyện, nơi người theo dõi bạn cư trú, làm việc. Trong đơn khởi kiện phải có các nội dung như ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; tên toà án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ của người khởi kiện; tên, địa chỉ của người bị kiện; những vấn đề cụ thể yêu cầu toà án giải quyết đối với bị đơn; Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp và các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

Tư vấn bởi LS. Nguyễn Đức Hoàng, văn phòng luật sư Phans

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).