Năm 2011, tôi cùng H. mua chung một mảnh đất của bà C, giá 8 triệu/m2. Mảnh đất này vẫn chưa có sổ đỏ, chỉ có hồ sơ chứng nhận của chính quyền xã.

TIN BÀI KHÁC

Khi đưa hồ sơ lên chính quyền xin cấp sổ đỏ thì không đủ điều kiện vì hồ sơ thiếu phần bà S. bán cho bà C (bà C mua lại của bà S sau đó bán cho chúng tôi). Đến nay hồ sơ vẫn không thể giải quyết để cấp sổ, do vậy bà C không có sổ đỏ để sang tên cho tôi và H. Tôi còn phát hiện ra 1 việc nữa là H đã thông đồng với bà C để nâng giá đất từ 6,5triệu lên 8 triệu/m2 (thực chất H chỉ mua của bà Ch. giá 6,5 triệu/m2).

Tôi muốn hỏi:

1. Trong trường hợp của tôi, tôi có thể kiện ra tòa để hủy việc mua bán này, yêu cầu bà C trả lại tiền cho chúng tôi do không bà C không có sổ đỏ để sang tên cho chúng tôi được không?

2. Tôi có thể đề nghị cơ quan điều tra xác minh việc H cùng bà C thông đồng chiếm đoạt số tiền chênh lệch 1,5 triệu/m2 (diện tích đất mà tôi mua là 176m2) được không?

{keywords}
(ảnh minh họa)
Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Luật Đất đai và điểm b khoản 1 Điều 119 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 17/2006 ngày 27/1/2006), hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Căn cứ Điều 134 Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như sau:

“Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

Như vậy, bạn có thể khởi kiện yêu cầu người bán hoàn thành giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất về mặt hình thức (công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất) trong một thời hạn nhất định. Quá thời hạn này mà các bên không thực hiện thì giao dịch này vô hiệu.

Việc xử lý giao dịch vô hiệu theo Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

Về hành vi thông đồng của H và bà C: trong trường hợp có căn cứ cho thấy H và bà C thông đồng với nhau để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của bạn thì bạn có thể làm đơn tố cáo gửi liên cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận, huyện để yêu cầu điều tra, xác minh hành vi của H và bà C và khởi tố nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).