-  Để được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “đại gia gà” như ngày hôm nay anh đã phải trải qua nhiều gian khó. Có những lúc anh đã muốn buông xuôi tất cả nhưng bằng ý chí và nghị lực, người đàn ông khuyết tật đã không chịu khuất phục hoàn cảnh để vươn lên.

TIN BÀI KHÁC

Anh Đinh Tấn Sương (39 tuổi, ấp Trung Hưng, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) là người khuyết tật đã tự mình vươn lên làm chủ cuộc sống. Với việc nuôi gà như hiện tại một năm anh cũng thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.

Làm không đủ sống

Theo anh Sương kể, lúc 4 tuổi anh bị sốt bại liệt và một chân rất yếu không thể đi được mỗi lần đi phải có cây gậy để chống. Bằng ý chí và nghị lực, anh đã cố gắng tập luyện để có thể tự đi mà không cần dụng cụ hỗ trợ.

Do việc vận động kém, nên ngay sau khi tốt nghiệp lớp 12 anh đã chọn học nghề sửa chữa điện tử. Thời gian đầu, tuy thu nhập không cao nhưng anh vẫn có thể bám trụ được với nghề. Thời gian sau, nghề sửa chữa điện tử của anh không còn thịnh hành, làm không đủ nuôi thân. Nhiều lúc anh cũng tỏ ra chán nản nhưng cũng chẳng biết làm cách nào để có thu nhập khá hơn.

{keywords}

Năm 2009, là năm đánh dấu một mốc buồn trong cuộc đời anh vì anh đã thất bại trong lần đầu tiên nuôi gà. Năm đó bạn bè anh đã giúp anh bằng cách 60 triệu tiền cấp vốn cho anh nuôi gà. Kinh nghiệm không có nên khi nuôi gà, gà bị dịch số tiền vốn của bạn bè giúp đỡ đã mất trắng.

Buồn chán, hết vốn anh lại quay lại nghề cũ lên thành phố xin làm nghề sửa chữa điện tử. Hơn một năm làm nghề, số tiền kiếm được cũng chẳng đủ chi phí.

Trở thành “đại gia gà” từ thất bại

Anh đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định trở về quê khởi nghiệp lại với nghề nuôi gà. Suy nghĩ là làm lần này anh đã tìm hiểu rất kỹ về cách nuôi gà, có kỹ thuật trong tay anh mạnh dạn vay vốn của người thân và gia đình.

Ban đầu anh chỉ khởi nghiệp với 300 con gà giống, chỉ 3,5 tháng sau lứa gà của anh được xuất chuồng. Lứa đầu tiên trừ tiền giống, thức ăn và chi phí khác anh còn lời 10 triệu đồng (theo cách so sánh dí dỏm của anh là thu nhập như thế hơn lương giáo viên, bởi lương giáo viên thời đó khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/tháng).

{keywords}

 Anh Đinh Tấn Sương tại buổi Triển lãm ảnh Sống và làm do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với Handicap tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai.

Thừa thắng xông lên anh tiếp tục tăng số lượng đàn gà lên 500 con và mỗi năm nuôi hai lứa. Do có kinh nghiệm nên gà anh nuôi đạt năng suất, ít bệnh tật. Thu nhập khá lên anh lại tiếp tục đầu tư chuồng trại và tăng dần đàn gà lên.

Nuôi gà chất lượng tốt, đầu ra của anh cũng được đảm bảo nên khi gà đến tuổi xuất chuồng thì đều bán được giá. Điều này càng khuyến khích anh tiếp tục đầu tư. Trước đây, một năm anh chỉ nuôi gà chủ yếu là 6 tháng cuối năm, nhưng nay anh mạnh dạn đầu tư thêm chuồng trại để có thể nuôi gà xoay vòng quanh năm.

Trong năm 2014, anh Sương dự kiến sẽ nuôi thành 5 đợt/năm và đàn gà sẽ tăng lên 5.000 con. Theo cách tính tối thiểu của anh một năm anh cũng thu nhập được trên 100 triệu đồng.

Anh Đinh Tấn Sương chia sẻ: “Để có được như ngày hôm nay tôi cũng phải trải qua nhiều gian đoạn khó khăn tưởng chừng như không thể vực dậy được. Khi nghề sửa điện tử không còn nuôi sống được bản thân tôi buồn lắm, rồi tiếp đó là nuôi gà bị thất bại mất hết cả vốn liếng. Tôi đã phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều tại sao người ta thành công mà mình lại thất bại. Tôi đã phải mày mò tìm kiếm và khởi nghiệp lại cũng chính từ kinh nghiệm của lần thất bại. Giờ đây, với thu nhập chưa phải là cao nhưng cũng đủ đảm bảo cuộc sống của gia đình. Bây giờ anh em gọi vui là “đại gia gà” Xuân Trường”.

Đức Toàn