- Mấy ngày nay, vụ việc hoa hậu Triệu Thị Hà xin trả vương miện đã làm xôn xao dư luận. Nó xôn xao không chỉ vì đây là lần đầu tiên một hoa hậu có hành động lạ thường như vậy, mà còn hoài nghi về lý do đằng sau của quyết định này.
TIN BÀI KHÁC
Trước đây, đã có không ít xì-căng-đan của các hoa hậu như dối trá hôn nhân, bằng cấp thiếu minh bạch hay kém trong ứng xử …
Chắc hẳn, sự hoài nghi về tính minh bạch trong các cuộc thi hoa hậu là có cơ sở. Để đạt được danh hiệu Hoa hậu, thí sinh không chỉ có nhan sắc mà còn phải có tài năng, đức độ…Tuy nhiên, gần đây đằng sau một cuộc thi hay một danh hiệu, thường xuất hiện những tai tiếng khiến cộng đồng không khỏi thất vọng!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai tiếng đó, trong đó, phải kể đến sự bất cập từ các quy định của pháp luật về các chế tài xử lý những sai phạm trong các cuộc thi hoa hậu. Ví như phải xử lý như thế nào cho những hành vi gian dối về điều kiện dự thi, vận động bỏ phiếu, thoả thuận với hoa hậu tương lai về những điều khoản trái pháp luật, đạo đức xã hội… hay trong vụ việc này, thủ tục, thẩm quyền tước danh hiệu hoa hậu và những chế tài kèm theo sẽ như thế nào?
Hoa hậu Triệu Thị Hà |
Theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định mới nhất, được xem là văn bản có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực này, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ Quy định về Thi người đẹp và Người mẫu . Nghị định này bãi bỏ Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, theo nghị định này, không có bất cứ quy định nào về trình tự, thủ tục và thẩm quyền rút danh hiệu hoa hậu, thụt lùi một bước so với quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDL vì bỏ quy định quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị tổ chức ra khỏi nghị định và thông tư hướng dẫn. Theo đó, quyền này được trao cho đơn vị tổ chức thể hiện trong Đề án tố chức cuộc thi do chính đơn vị tổ chức soạn thảo.
Đề án tổ chức cuộc thi được cơ quan có thẩm quyền xem xét và chấp nhận trước khi cấp phép cuộc thi. Và tất nhiên, nó là quy định bắt buộc để các thi sinh và các tố chức, cá nhân liên quan đến cuộc thi phải làm theo như một nội quy trong phạm vi nội bộ của cuộc thi đó. Nhưng, Đề án tổ chức cuộc thi không phải là luật, nên không có giá trị áp dụng và phạm vi điều chỉnh như luật.
Vì trên thực tế, khi thí sinh cuộc thi đạt danh hiệu hoa hậu, hoạt động của cô ta không dừng lại trong phạm vi cuộc thi nữa mà phát sinh các quan hệ xã hội khác nhân danh hoa hậu. Và tất nhiên, trong quá trình hoạt động hoa hậu sẽ gặp những xung đột pháp luật, khi đó phải dùng luật để điều chỉnh, kể cả trong trường hợp rút hay tạm đình chỉ danh hiệu hoa hậu của cô ta.
Quay lại vụ việc của hoa hậu Triệu Thị Hà, như đã phân tích ở trên, dù cho Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM có văn bản đồng ý cho đơn vị tổ chức rút vương miện của hoa hậu này, thì các cơ quan có thẩm quyền như Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng không có căn cứ pháp lý để đồng ý cho đơn vị tổ chức rút danh hiệu này.
Mặt khác, tại thời điểm cuộc thi diễn ra, quyền rút danh hiệu hoa hậu của đơn vị tổ chức được quy định trong Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL đã hết hiệu lực. Đồng thời, danh hiệu hoa hậu Triệu Thị Hà đã hết nhiệm kỳ. Vì vậy, không có căn cứ pháp lý để rút danh hiệu hoa hậu của cô ấy.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng, TP Hồ Chí Minh