-  Em kết hôn cùng với 1 người đã li hôn vợ con và chúng em có giấy đăng ký kết hôn.

TIN BÀI KHÁC

Sau khi ly hôn, anh có thoả thuận là sẽ chu cấp nuôi 2 đứa con nhỏ hàng tháng là 2.000.000 đồng. Anh ly hôn đã được hơn 2 năm, nhưng trong suốt thời gian 2 năm nay anh đã không thể làm việc vì bị vợ cũ quậy phá và cô ấy tước quyền làm cha của anh, không cho anh thăm nuôi con trong suốt thời gian qua.

Giờ anh vẫn đang thất nghiệp ở nhà trông con của chúng em. Đến nay vợ anh kiện anh vì không phụ cấp nuôi con trong thời gian 2 năm qua, tòa án yêu cầu kiểm kê tài sản cuả anh và quy ra tiền để trả cho vợ cũ cuả anh nuôi con trong thời gian qua.

Chúng em ở nhà thuê và chỉ có chiếc xe máy cuả em làm phương tiện đi làm. Anh cũng muốn có công ăn việc làm để kiếm tiền phụ cấp cho con anh và giúp cho em trong gia đình nhưng hiện tại anh vẫn chưa tìm được việc.

Nay toà án thẩm định giá xe cuả em và bảo là của chồng công vợ? Cho em hỏi như vậy có đúng luật không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo Điều 54 Luật HNGĐ 2000 có quy định các bên có thể thoả thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Trường hợp chồng bạn bị thất nghiệp thì có thể thỏa thuận với người vợ trước về việc thay đổi mức cấp dưỡng hoặc tạm ngừng việc cấp dưỡng trong một thời gian, nếu người vợ trước không đồng ý thì chồng bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa giải quyết.

- Về vấn đề Tòa án định giá chiếc xe máy của bạn để quy ra tiền cấp dưỡng cho con riêng của chồng. Theo quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật HNGĐ 2000 nêu rõ: “Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”. Khoản 1, Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định chi tiết Luật HNGĐ cũng đã nêu rõ “Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại các điều 51,52, 53 luật HNGĐ là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó ”.

Do vậy, chồng bạn không thể chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng cho người khác. Nếu chồng bạn không có thu nhập nhưng còn tài sản sau khi trừ đi chi phí thông thường phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì Tòa án sẽ có quyền định giá những tài sản đó để quy ra tiền buộc chồng bạn cấp dưỡng cho con riêng.

Chồng bạn có thể làm đơn ra Tòa xin thay đổi hoặc tạm ngừng mức cấp dưỡng do chồng bạn thất nghiệp và cũng không còn tài sản. Trong đơn bạn cũng cần chứng minh được chiếc xe máy là tài sản riêng của mình, đồng thời là phương tiện mưu sinh duy nhất trong gia đình để Tòa án không định giá chiếc xe đó, buộc chồng bạn cấp dưỡng cho người con của vợ trước.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).