- Trên chiếc giường ọp ẹp, bà cụ ngồi bên anh thanh niên còn khá trẻ. Cao, lớn nhưng đôi mắt anh thanh niên vô hồn gần như lạc thần nhìn về một hướng. “Nó bị động kinh từ nhỏ nên không nhớ gì và cũng không làm được gì”. Bà giãi bày với chúng tôi.


TIN LIÊN QUAN




Căn nhà nát ôm ấp bà cháu

Chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Tỉnh (81 tuổi). Bà ngụ trong căn nhà xiêu vẹo trong con hẻm trên đường Đào Trí (P. Phú Mỹ Q. 7 TP.HCM).

Ngôi nhà dựng trên diện tích chưa tròn 20m2. Bốn phía nhà được che đậy bằng những tấm tôn rách, những tấm bạc tả tơi. Mái tôn hoen màu rỉ sét. Bên trong nhà, dàn cột kèo chắp vá đủ loại. Có cây đã mục, khuỵu xuống. Không một tài sản nào có giá trị dù là giá trị nhỏ. Chiếc giường ngủ chông chênh đến độ có thể sụp bất cứ lúc nào. Ở góc bếp, dường như đã lâu lắm nơi đây không đỏ lửa. Mọi thứ được xếp ngay ngắn và mặc dù đã trưa vẫn chưa có dấu hiệu nào cho một bữa ăn sắp đến.

{keywords}

Bà Tỉnh đã 81 tuổi vẫn phải cố đẩy lùi đám lau sậy bao quanh nhà.


Nhà không có nền. Chúng tôi bước đi trên những tấm ván được sắp theo chiều ngang căn nhà. Dưới những tấm ván đó là nước và đất ẩm. Rón rén ngồi lên giường đảo mắt lên mái, nhiều lỗ trống hiện ra. Vị trí nổi bật nhất trong căn nhà, trên chiếc tủ nhỏ cũ kỹ, tấm ảnh người đàn ông và bát nhang phía trước. Không đèn không hoa. Ông nhà tôi đấy – bà nói.

Bà sống trong căn nhà này từ khi anh thanh niên kia là cháu nội của bà vừa mới lên 3. Anh tên Lâm Xuân Hùng năm nay vừa tròn 19 tuổi. Bà đưa cho chúng tôi xem một số giấy tờ rồi cho biết: “nó bị bệnh động kinh từ nhỏ. Cha nó chết vì bạo bệnh. Mẹ nó bỏ con ra đi biền biệt từ đó và căn nhà rách này là chốn nương thân của hai bà cháu trong suốt 16 năm nay.

Tôi hỏi thăm về nguồn cơn. Bà chậm rải kể lại. Vợ chồng bà đều là người sinh ra trên vùng đất này. Trước kia khi nơi đây còn là đất nông nghiệp cả hai đều là nông dân. Suốt ngày vun quén mảnh ruộng cây lúa. Sau khi đô thị hóa, ruộng biến thành nhà vợ chồng bà không còn đất canh tác. Ông đi làm công trên những con tàu xuôi ngược đó đây. Rồi ngã bệnh và đã chết sau đó. Con còn nhỏ, một mình bà lăn lội theo dòng sông nhặt phế liệu vào những lúc nước lên. Trưa đến, bà lội vào những con lạch nhỏ tìm cắt bồn bồn về bán. Những lúc rảnh rỗi, ai thuê gì bà cũng làm.


{keywords}
Căn nhà của bà Tỉnh trên dột dưới ngập

Cuộc sống đầy vất vả như thế nhưng bà cũng đã nuôi được đàn con lớn lên. Những tưởng chúng sẽ đỡ đần bà về lúc tuổi già nhưng không. Các con bà vì nghèo không đi học nên chẳng tìm được việc gì làm. Chỉ biết đem mồ hôi đổi bát cơm nên cuộc sống chúng chẳng khấm khá gì. Lần lượt chúng rời bà. Chỉ còn thằng con trai ở lại lấy vợ sinh con. Vậy mà trời không thương tôi. Sinh thằng Hùng được vài năm, cha nó qua đời rồi mẹ nó bỏ đi . . . Hàng ngày, tôi vẫn nhặt phế liệu, vẫn cắt bồn bồn để nuôi thằng cháu bệnh tật lớn lên.

16 năm đổ mồ hôi nuôi đứa cháu nửa tỉnh nửa mê, lưng của bà đã còng. Bước vào tuổi 80, bà không còn nhiều thời gian để chăm cháu. Tôi nhìn bà ái ngại.

Tấm lòng bà nội nuôi cháu

Chúng tôi hỏi thăm về Hùng, bà Tỉnh cho biết cháu bị động kinh, muốn giật lúc nào thì giật. Đang tươi tỉnh cười nói thế nhưng nó ngã xuống co quắp chân tay lúc nào không biết. Vì thế phải theo sát nó. Mà theo sát thì lấy gì để sống đây ?

Hàng ngày bà Tỉnh vẫn theo con nước dọc theo sông Sài Gòn tìm nhặt phế liệu. Nhưng mùa này – bà nói – gió đổi chiều thổi dạt sang bờ Đồng Nai hết nên cũng không nhặt được bao nhiêu.

Cuộc sống của bà Tỉnh bây giờ rất khó khăn. Tuổi già sức yếu, đứa cháu nội đè nặng trên vai, bà cảm thấy chới với. Bữa ăn đến với bà cháu chỉ có khi chỉ là đĩa rau chén mắm. Cá thịt là điều xa xỉ, chỉ mong có gạo là tốt rồi. Lắm lúc không đủ gạo nấu cơm bà phải nhịn dành phần cho cháu.


{keywords}
Bà cháu trong căn nhà xiêu vẹo dột nát. 

Bà kể tiếp cho tôi nghe về bệnh tình của Hùng. Hùng bệnh từ lúc còn nhỏ, trí nhớ kém nên không thể đến trường. Lắm lúc do bận bịu với việc mưu sinh, bà hơi lơ là, Hùng bỏ đi đâu, lúc nào không biết. Thế là cả xóm đã cùng bà đi tìm về.

Hàng ngày, Hùng được uống thuốc để giảm bớt cơn động kinh. Bà Tỉnh cho chúng tôi xem cuốn sổ theo dõi bệnh tình của Hùng do bệnh viện Đa khoa Quận 7 cấp. Hàng tháng hoặc nửa tháng, bà cháu phải đùm túm lên đây nhận thuốc. Mỗi lần đi tốn hết 40.000đ tiền xe mà bà cũng không có. Phải chạy vạy khắp nơi.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Tỉnh bị ngắt quãng khi ông Nguyễn Văn Bửu tổ trưởng tổ dân phố 33 bước vào. Ông Bửu cho biết, cuộc sống của bà cháu bà Tỉnh có thể nói lâm vào ngõ cụt. Căn nhà dột nát, xiêu vẹo này được dựng lên trên mảnh đất mà người chủ đất cảm thông cho ở nhờ. Thu nhập của bà bấp bênh lắm. Không đủ gạo ăn, bà thường lân la đến các chùa để xin gạo. Nhờ thuộc diện nghèo nên được phường trợ cấp 240.000đ/tháng. Gần đây, cháu Hùng tiếp tục được xét cấp theo tiêu chuẩn bệnh tật 360.000đ/tháng. Muối bỏ biển anh ạ, nhưng có còn hơn không. Với người nghèo, một đồng cũng là quý . .

“Ngày nào cũng có bữa cơm, sống trong căn nhà trên không dột dưới không ngập là niềm mơ ước của bà cháu bà Tỉnh. Chính quyền đã tìm hết cách giúp đỡ nhưng cũng không thể nào cải thiện được. Chỉ còn trông vào tấm lòng hảo tâm của toàn xã hội”. Ông Bửu nói với tôi trong ngậm ngùi . . .

Trần Chánh Nghĩa

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Bà Nguyễn Thị Tỉnh (81 tuổi), đường Đào Trí, P. Phú Mỹ Q.7 TP.HCM).

2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ bà Nguyễn Thị Tỉnh ở TP Hồ Chí Minh)

- Qua TK ngân hàng Vietcombank:

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài:

- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

- The currency of bank account: 0011002643148

-Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam

-SWIFT code: BFTVVNVX

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamnet

Số tài khoản: 1020.1000.158.2330

Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand

- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Swift code:ICBVVNVX122

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881

Email: banbandoc@vietnamnet.vn