- Nếu kết quả giám định pháp y cho thấy chị Huyền vẫn còn sống trước khi bị ném xuống sông, thì đương nhiên bác sỹ Tường và đồng phạm đã phạm vào tội “Giết người” với lỗi cố ý trực tiếp.
TIN BÀI KHÁC
Mấy ngày nay, dư luận bàn tán xôn xao về sự kiện “tìm thấy xác của chị Huyền” trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, trong đó điều dư luận quan tâm nhất có lẽ là tội danh của bác sỹ Tường có thay đổi hay không? Câu hỏi này chỉ có thể được trả lời chính xác sau khi có Kết luận khám nghiệm tử thi; Kết luận giám định pháp y và Kết luận điều tra bổ sung.
Kết quả giám định pháp y sẽ xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền, xác định được thời điểm chị Huyền chết trước hay sau khi bị ném xuống sông? Từ đó sẽ xác định được tội danh của bác sỹ Tường có căn cứ và khách quan nhất.
Bác sỹ Tường có thể phạm tội “Giết người”.
Nếu kết quả giám định pháp y cho thấy chị Huyền vẫn còn sống trước khi bị ném xuống sông, thì đương nhiên bác sỹ Tường và đồng phạm đã phạm vào tội “Giết người” với lỗi cố ý trực tiếp. Chuyện này không cần phải bàn cãi.
Nếu kết quả giám định cho thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của chị Huyền không phải do quy trình khám chữa bệnh mà do bác sỹ Tường bỏ mặc, không đưa chị Huyền đi cấp cứu trong hoàn cảnh, điều kiện hoàn toàn có thể, thì bác sỹ Tường cũng phạm vào tội “Giết người” nhưng với lỗi cố ý gián tiếp, tức bác sỹ Tường nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn những có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân của Thẩm mỹ viện Cát Tường |
Giả thiết khác, bác sỹ Tường phạm tội “Vi phạm quy định khám, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”
Để có căn cứ kết tội bác sỹ Tường về các tội danh này, thì kết quả giám định pháp y phải xác định được, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của chị Huyền là do quy trình khám, chữa bệnh của phòng khám này, do bác sỹ vi phạm quy tắc nghề nghiệp, không đủ trang thiết bị khám chữa bệnh dẫn đến cái chết cho chị Huyền. Ở góc độ chuyên môn thì xác định chị Huyền chết có thể do sốc thuốc, thuyên tắc mạch do mỡ sau khi bơm hoặc sai sót trong quá trình thao tác kỹ thuật…
Trong trường hợp này, bệnh nhận đã chết trong quá trình khám, chữa bệnh, bác sỹ Tường đã phạm vào tội “Vi phạm quy định khám, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Với hành vi phi tang xác nhằm che dấu hành vi phạm tội của mình, theo tôi cần xác định đây là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm o điều 48 Bộ luật Hình sự: “Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm” thì sẽ hợp lý hơn là truy cứu một tội danh khác- tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Như vậy, có hai căn cứ để chuyển đổi tội danh của bác sỹ Tường sang tội “Giết người”, đó là các cơ quan tố tụng phải chứng minh được chị Huyền chết sau khi bị ném xuống sông (do ngạt nước) hoặc nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của chị Huyền không phải do bác sỹ Tường vi phạm quy tắc nghề nghiệp, mà do bác sỹ Tường “làm liều” dù biết trước bệnh nhân của mình có thể nguy hiểm đến tín mạng và tuy không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho “cái chết” xảy ra.
Tuy nhiên, theo các thông tin ban đầu mà báo chí đưa tin, xác của nạn nhân Huyền không còn nguyên vẹn (mất phần đầu và tứ chi) và đang trong giai đoạn phân huỷ, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn trong quá trình giám định pháp y. Để có một kết quả giám định chính xác thì trình độ chuyên môn, máy móc trang thiết bị của tố chức giám định có vai trò chính yếu.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng, Tp Hồ Chí Minh