- Vợ em đã bỏ đi gần 2 năm mà không tung tích. Khi em đơn phương ly hôn, phần tài sản có một miếng đất, ly hôn xong em có được bán không? Hiện nay em đang nuôi 2 đứa con.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất về thủ tục nộp đơn xin ly hôn
(ảnh minh họa) |
Điều 85 Khoản 1 Luật HN&GĐ 2000 quy định: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”. Theo đó, bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Căn cứ vào các điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết.
Thứ hai trình tự xin ly hôn với người mất tích: Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2005.
Yêu cầu tòa án tuyên bố vợ bạn vắng mặt tại nơi cư trú
Bộ luật Dân sự 2005 tại Ðiều 74. Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó
Khi một người biệt tích sáu tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt quy định tại Ðiều 75 của Bộ luật này.
Yêu cầu tòa án tuyên bố vợ bạn mất tích
Ðiều 78. Tuyên bố một người mất tích
1. Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Nếu vợ bạn đã bỏ đi biệt tích 2 năm trở lên thì bạn cần làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố vợ mình mất tích, sau đó yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn theo Khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì toà án giải quyết cho ly hôn”. Nếu vợ bạn trở về sau trong thời hạn Tòa án thông báo tìm kiếm thì thực hiện thủ tục ly hôn.
Thứ hai Về chia tài sản khi ly hôn
Khoản 1 và Điểm c Khoản 2 Điều 97 Luật HN&GĐ 2000 quy định:
“1. Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
2. Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng
Điều 95 Khoản 2 Điểm a, b Luật HN&GĐ 2000 quy định:
“2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;”
Thông tin bạn nêu không rõ mảnh đất này là tài sản chung hay tài sản riêng. Nếu mảnh đất là tài sản chung thì chia đôi. Phần tài sản của người bị tuyên bố mất tích được chia sau khi ly hôn sẽ thực hiện theo Điều 79 Bộ luật Dân sự 2005: Trong trường hợp Toà án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).