- Bé ngồi trong lòng mẹ giữa hội trường. Nụ cười trên môi bé thật rạng rỡ. Đưa 2 tay đón nhận phần quà của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential VN cùng Báo điện tử VietNamNet chuyển đến, bé cúi đầu nói lớn: “dạ, con cám ơn cô chú”...
Tin bài khác:
Những mảnh đời bất hạnh
Bé là Lê Văn Tài 9 tuổi con của chị Hồ Thị Diễm Ly trú tại xã Gia Bình (H. Trảng Bàng, Tây Ninh). Bé không đi được. Hai chân bé cong queo. Cả thân hình bé nhỏ choắt như đứa trẻ lên ba. Chị Diễm Ly cho biết, khi sinh ra cháu đã bị như thế. Trước đây, chị sống trong vùng bị ảnh hưởng bom đạn, di chứng của chất độc da cam đã khiến cho chị bị phơi nhiễm và sinh ra cháu nhiều dị tật.
Anh Phạm Ngọc Khải trong vòng tay mẹ già |
Chị làm nghề sản xuất muối tôm – một đặc sản của Tây Ninh. Anh làm thợ hồ, công việc của anh chị không được đều nên thu nhập cũng bữa đói bữa no. Bé Tài không tự mình di chuyển được thường ngồi bên mẹ giúp mẹ cho muối vào những túi nylon. Bé làm rất thuần thục và đặc biệt trên môi bé lúc nào nở nụ cười thật tươi...
Hoàn cảnh của bé Lê Thị Mi Mi (14 tuổi) càng đáng thương hơn. Ra đời với hình hài không bình thường, bé luôn trong trạng thái ngẩn ngơ. Được 2 tuổi, cha mẹ bé bỏ nhau, bỏ luôn bé. Bà ngoại bé cưu mang trong sự thiếu thốn khó khăn của những gia đình nông dân vùng quê hẻo lánh.
Bé Lê Văn Tài hớn hở đón nhận quà từ đại diện Báo VietNamNet |
Chúng tôi gặp ngoại của bé, một phụ nữ bình dị như bao người phụ nữ khác. Chị an phận, cam tâm nuôi cháu. Chị cho biết, những lúc khó khăn như thế này, món quà của các nhà hảo tâm thật đáng quí. Không giúp được thoát nghèo nhưng qua được nỗi ngặt. Mấy hôm nay, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Phần quà gồm hiện vật và 400.000đ tiền mặt được Công ty Prudential và Báo VietNamNet trao tặng giúp chị giải quyết được phần nào khó khăn nhất thời.
Gần bé Mi Mi, một thanh niên nằm dài trên bàn. Anh là Ngô Văn Lý (33 tuổi ở xã Hưng Thịnh). Anh không ngồi được. Những câu nói của anh không ăn nhập vào đâu đã làm cho nhiều người ái ngại. Được người em đưa đến hội trường, anh nằm ngay trên bàn vì không có khả năng để ngồi. Vậy mà trong hơn 30 năm nay, anh sống nhờ vào thu nhập của mẹ già tần tảo sớm hôm với nghề bán vé số. Cha chết sớm, tình thương của mẹ đã dồn hết cho anh. Mặc dù không nguyên vẹn hình hài nhưng là giọt máu của mình sinh ra, mẹ anh hàng ngày vẫn đổ từng giọt mồi hôi để kiếm bát cơm cho anh.
Đại diện Công ty Prudential tặng quà cho cháu Mi Mi. |
Đó chỉ là 3 trường hợp. Còn rất nhiều trường hợp đáng thương khác. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ. Hậu quả của chất độc da cam đã để lại cho biết bao người sống dở chết dở. Thể xác đau đớn, tinh thần càng đau đớn hơn. Nhiều gia đình có con bị dị tật do chất độc da cam ngày càng rơi vào cảnh khốn cùng...
Xoa dịu nỗi đau
Sáng 20/9, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential VN cùng Báo điện tử VietNamNet đã đến thăm và tặng 100 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Hòa Thành và TP. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh).
Ở mỗi nơi, những phần quà được đưa đến tận tay những người bất hạnh. Niềm vui của người nhận, của người trao đã khiến cho hội trường rộn rã hẳn lên. Tiếng cười hồn nhiên, ánh mắt ngơ ngác và những câu hỏi bâng quơ của những đứa trẻ không may đã làm quặn lòng mọi người.
Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam dioxin Tây Ninh. |
Chúng tôi đến huyện Hòa Thành. Bên trong hội trường đã đông người. Người phụ nữ trung niên trên tay bế đứa bé tật nguyền ngồi lặng lẽ ở một góc phòng. Chúng tôi hỏi thăm chị. “Đứa bé” trên tay chị đã sống quá nửa đời người. Anh là Phạm Ngọc Khải 37 tuổi ở xã Long Thành Trung.
Gia đình có 5 anh chị em đều bị dị tật do chất độc da cam, 2 người đã chết. Còn lại 3 gồm 2 trai 1 gái trong đó có anh. Mẹ anh cho biết trước đây nhờ vào sự tháo vát của người cha gia đình cũng tạm ổn. Nhưng từ ngày bị tai biến, cha anh không còn khả năng bươn chải nên kinh tế trong nhà hết sức khó khăn. Tất cả đều trông cậy vào đôi bàn tay của chị. Hàng ngày chị mưu sinh bằng nghề rửa chén cho nhà hàng.
Nạn nhân chất độc da cam hiện rất khó khăn. Làm sao xoa dịu cho hết những vết thương do chiến trạnh để lại?. Thời chiến sống dưới làn tên mũi đạn, hòa bình đến những gia đình gặp trường hợp không may có con bị dị tật tiếp tục lao vào cuộc chiến... cơm áo.
Tiếp tục chuyến đi, điểm cuối cùng chúng tôi ghé lại Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam dioxin Tây Ninh tại ấp Bàu Lung xã Binh Minh (TP. Tây Ninh).
Anh Ngô Văn Lý không thể ngồi được vẫn được gia đình đưa đến nhận quà. |
Cơ sở được thành lập bằng nguồn vốn xã hội. Những ngôi nhà khang trang, những trang bị vật chất tuy tối thiểu nhưng đầy đủ để phục vụ nuôi dạy bán trú cho 17 nạn nhân chất độc da cam.
Chúng tôi thầm cảm phục và ngưỡng mộ những tấm lòng nhân ái hàng ngày đến đây lo cho những mảnh đời nghiệt ngã. Đó là 3 chị tình nguyện viên, vừa là cấp dưỡng, vừa bảo mẫu, vừa... tạp vụ nghĩa là tất cả công việc ở trung tâm này đều do 3 chị quán xuyến mà không hề nghĩ đến thù lao.
Bà Võ Thị Đẹp, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Tây Ninh kiêm giám đốc trung tâm cho biết: “khi vào trung tâm, 17 nạn nhân từ chỗ không như người bình thường được luyện tập để phục hồi chức năng vận động. Các nạn nhân này được tập luyện làm các công việc phù hợp với khả năng dần dần giúp họ tìm lại được mầm sống...”
Trên đường về, chúng tôi tự nhủ với nhau, không làm sao có thể xoa dịu được hết những nỗi bất hạnh của các nạn nhân chất độc da cam. Chỉ biết khả năng mình đến đâu làm hết mình đến đó để tìm chút thanh thản trong lòng.
Ngày 27/9, chương trình sẽ tiếp tục trao 100 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Trần Chánh Nghĩa