Con gái tôi, sinh năm 1983, đã có chồng, đăng ký HKTT tại quận Hoàn Kiếm, Hà nội. Hai vợ chồng cháu đã vi phạm pháp luật và bị án tù năm 2006.

TIN BÀI KHÁC

Chồng cháu đã thi hành án xong. Khi đó, do cháu có con trai nhỏ dưới 36 tháng nên được tạm hoãn thi hành án. Trong 7 năm sau đó, cháu vừa nuôi con vừa làm ăn lo trả nợ và năm 2011, cháu có con gái với một người đàn ông nước ngoài (lúc này chồng vẫn trong tù và chưa ly hôn), dù trước đó đã làm đơn ra toà. Bây giờ hai cháu đã ly hôn và chồng cũ đã có gia đình mới. Khi sinh con, cháu dùng tên giả và sau đó làm mất giấy chứng sinh (bị cướp giật, mất giấy tờ tuỳ thân). Gia đình tôi đã đón cháu ngoại về chăm nom. Trại 5 cấp cho chúng tôi giấy bàn giao con của con gái tôi (cháu ngoại) cho bà ngoại (là tôi).

Như vậy cháu gái tôi chỉ có duy nhất 1 loại giấy tờ như thế của một cơ quan nhà nước ghi nhận thân thế của cháu. Hiện tại con gái tôi vẫn đang ở thụ án (ở Hà Nội).

Tôi muốn làm giấy khai sinh cho cháu ngoại thì có thể đến đâu và tiến hành như thế nào? Sau đó tôi có thể cho cháu đăng ký vào hộ khẩu vào gia đình tôi không? (Mẹ cháu HKTT ở bên nhà chồng cũ).

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định:

“1. Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.”

Điều 14 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định:

“Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.”

Như vậy, trẻ em sinh ra có quyền được đăng ký khai sinh, những người thân thích và các cấp chính quyền có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trường hợp cha hoặc mẹ của trẻ không thể đăng ký khai sinh được cho trẻ thì ông bà hoặc người thân thích khác đi đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP) quy định:

“1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.”

Đối với giấy chứng sinh đã bị mất, Điểm b Mục 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT quy định: “b) Trường hợp mất, rách, nát Giấy chứng sinh: bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới như trường hợp cấp Giấy chứng sinh có nhầm lẫn. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 03 ngày làm việc.”

Như vậy, bạn có thể làm đơn xin cấp lại Giấy chứng sinh gửi cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh theo hướng dẫn nêu trên. Trường hợp không có đủ điều kiện để cấp lại giấy chứng sinh, khi đi đăng ký khai sinh, bạn phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).