-  Em và anh ấy quen nhau qua mạng xã hội Zalo. Anh ấy tự giới thiệu là sỹ quan, làm việc tại TP.HCM, và là người Hà Nội.

TIN BÀI KHÁC

Quen nhau chưa được 1 tuần mà anh đòi cưới. Rồi anh gọi điện cho gia đình em về việc cưới hỏi. Một hôm anh nói với em anh bị bạn lừa cầm xe anh, giờ anh phải lo tiền để lấy xe ra. Anh nhờ em mượn tiền bạn bè để lấy xe nhưng em nói không có thì anh lại nói đưa xe của em cho anh đi cầm để lấy xe anh ra rồi sẽ lo tiền lấy xe em ra sau. Thấy anh trong hoàn cảnh vậy mà không giúp gì được nên em đưa cái máy tính xách tay của mình cho anh đi bán để có tiền lấy xe.

Giờ em gọi điện cho anh thì anh không nghe máy, nhắn tin thì anh không trả lời. Anh còn nhắn tin cho những người trong danh bạ của em nhờ người ta nạp thẻ điện thoại nữa. Rồi anh vào facebook từ điện thoại của em nhắn tin cho bạn em cũng với chiêu nhờ nạp thẻ.

Thưa luật sư. Với những hành vi trên thì anh ta có bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Và em muốn trình báo công an thì trình tự làm như thế nào?

Em có hình ảnh và số điện thoại của anh ấy. Về nơi sống và công việc ngoài những gì anh ấy nói thì em không biết gì thêm.

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Khoản 1 Điều 139 BLHS (sửa đổi năm 2009) quy định:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Về mặt hành vi, Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản

- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản

- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Như vậy, bạn xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bạn có thể tố cáo hành vi phạm tội đến cơ quan công an.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).