-Đó là vụ kiện ở Khánh Hòa mà chúng tôi đã phản ảnh trên báo cách đây 3 năm đến nay vẫn không dứt điểm. Vụ này người dân đã đi khiếu kiện hàng chục năm và đã đến rất nhiều các cơ quan chức năng.

TIN BÀI KHÁC

Con kiến mà leo cành đa…

Đây là vụ án tranh giành đất đai thừa kế. Thật ra theo đánh giá của những người tiếp xúc trực tiếp như chúng tôi thì vụ này không có nhiều tình tiết phức tạp, nhưng cái phức tạp lại do con người, tức do Tòa và chính quyền ngây ra.

{keywords}
Chính quyền hỗ trợ cho bà Ly xây dựng (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tóm tắt vụ án: Một ông Việt Kiều ra đi từ năm 1975, khi bố mẹ mất liền về tranh giành thừa kế với em trai. Trước đó bố mẹ cho người em đất để xây nhà (lúc còn sống). Khi bố mất không để lại di chúc, mẹ mất có để lại di chúc nhưng tính pháp lý chưa đầy đủ.

Để chiếm trọn đất, ông Việt kiều thành lập công ty "ma" có trụ sở trên mảnh đất ấy. Cái “Uẩn khúc” chính là công ty "ma" này.

Phòng Đăng ký kinh doanh của tỉnh Khánh Hòa đã để ông Việt kiều Nguyễn Quý Báu, quốc tịch Mỹ “lách luật” thành lập CT TNHH một thành viên Màu Nắng ngày 5/5/2010, địa chỉ tại 13/5A, Đặng Tất, Phước Vĩnh, Nha Trang, trong khi ông Báu không có hộ khẩu tại địa chỉ đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh và không có hợp đồng thuê trụ sở tại địa chỉ này.

Ngay sau khi có được GPKD, mã số thuế, con dấu công ty, giám đốc Báu không kinh doanh mà lập tức tiến hành khởi kiện đòi chia tài sản thừa kế của cha, mẹ tại Việt Nam với người em ruột là ông Nguyễn Trung Tâm tại địa chỉ trên, gồm có nhà ở của bà Nguyễn Thị Bông và ông Nguyễn Trung Tâm, đã có sổ đỏ, và phần đất đai và nhà từ đường, khi còn sống mẹ ông Báu và ông Tâm ở (khi mất không làm di chúc).

Một điểm nữa là ông Báu không đủ yếu tố để thay mặt các anh chị em ở Mỹ để đòi chia đất. Theo Luật sư Phạm Quốc Thanh- Trưởng văn phòng Luật sư Quốc Thái - Đoàn Luật sư Hà Nội thì: “Trong vụ án này, các cấp tòa dường như ‘bỏ quên’ tình tiết những người ủy quyền cho nguyên đơn là Việt kiều Nguyễn Quý Báu không hề có đủ điều kiện để chia di sản thừa kế bằng hiện vật, bởi lẽ tất cả những người ủy quyền cho Việt kiều Báu đều đang ở Mỹ và có quốc tịch Mỹ. Đây là một tình tiết cần được TANDTC xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và là một trong những tình tiết quan trọng làm thay đổi hoàn toàn nội dung vụ việc”.

Và vụ kiện đã xẩy ra, được chính quyền các cấp Tòa rốt ráo vào cuộc.

Hai cấp Tòa đã không làm rõ “uẩn khúc” đó, xử cho ông Báu thắng kiện. Theo đó, phần đất ở của hai vợ chồng ông Tâm, bà Bông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần đất đã xây dựng từ đường thờ cúng đều bị gộp vào để phân chia lại.

Và điều đặc biệt cũng là câu hỏi lớn: tại sao chính quyền sau khi có bản án đã "sốt sắng" vào cuộc để thi hành án. Họ đã phá hết nhà cửa từ đường của bố mẹ, chuyển tài sản của ông Tâm bà Bông ra ngoài để “trả đất” cho người thắng kiện.

Để đến khi được đất, ông Việt kiều Báu nhanh chóng được UBND TP. Nha Trang tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 30/8/2011; rồi ngay sau đó, ngày 13/9/2011, ông Việt kiều Báu sang nhượng toàn bộ nhà đất trên cho Nguyễn Hải Ly lấy 1 tỷ 600 triệu đồng, mà không sản xuất kinh doanh gì tại địa chỉ này như trước đó Công ty Màu Nắng  được cấp Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp!

Và vụ kiện bắt từ đó. Ông Tâm bà Bông đã ra Hà Nội ăn chực nằm chờ hàng mấy năm trời, gõ cửa nhiều cơ quan, song vẫn là điệp khúc “kính chuyển”. Những đơn thư của ông cuối cùng vẫn lại về Khánh Hòa và những nơi đã xử vụ án.

Khi bà Bông đến Tòa soạn, đơn thư đã nặng đến hàng kg. Ngay sau khi nhận được đơn kêu cứu, Báo đã điều tra tính xác thực của vụ việc và gửi Công văn đến Tòa án Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại vụ án. Những công văn của Báo gửi đến các nơi như Khánh Hòa, Tòa Tối cao cũng không nhận được hồi âm.

Báo đã cử phóng viên điều tra, thu thập thông tin và viết bài. Một loạt bài được đăng trên mặt báo.

Nhưng cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười với người đi khiếu kiện. Ngày 24/7/2012, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đã có Quyết định kháng nghị số 313/2012/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 34/2011/DSPT ngày 31/3/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng, nêu rõ: “Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 20/2010/DSST ngày 10/12/2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Kháng nghị đã nêu rõ những sai trái của hai bản án trước đấy, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.

Thế nhưng từ đó đến nay, việc thực hiện Quyết định của Tòa tối cao vẫn giẫm chân tại chỗ.

Như phần trên đã viết, sau khi Tòa án Khánh Hòa và Tòa Tối cao khu vực xử, đất đai thuộc về ông Ted Nguyễn và lập tức ông này bán cho bà Nguyễn Hải Ly. Bà Ly mua trong thời gian bản án có hiệu lực là hợp pháp. Vì vậy bà Ly nhanh chóng được chính quyền cấp cho sổ đỏ. Và trong thời gian này bà Ly đã bắt đầu xây một công trình đồ sộ trên trên khu đất mà Tòa đã trao cho ông Việt kiều.

Đến khi có Quyết định kháng nghị của Tòa án Tối cao, hủy bản án dâm sự phúc thẩm, nếu đúng thì bà Ly không được tiếp tục xây dựng tiếp mà phải chờ TAND Khánh Hòa xét xử lại, song chính quyền không hề can thiệp. Và cho đến tận cuối năm 2014, công trình hoàn thành đi vào hoạt động nhưng Tòa vẫn không xử. Vụ án vẫn bế tắc.

Được biết Bà Bông, ông Tâm đã nhiều lần yêu cầu chính quyền thực hiện Quyết định kháng nghị của Tòa Tối cao song không được đáp ứng.

Người dân có quyền đặt câu hỏi cái gì đằng sau đó dẫn đến tình trạng như vậy? Trong khi trước đó Tòa Khánh Hòa và Tòa Tối cao khu vực khi tuyên thì bản án nhanh chóng được thực thi, còn khi có Kháng nghị của Tòa án Tối cao lại không thực hiện?

Trong Kháng nghị Tòa án Tối cao đã chỉ rõ những điểm sai trái của hai cấp Tòa vậy những người đã xử sai, làm sai dẫn đến hậu quả kéo dài thì sẽ xử như thế nào hay lại hòa cả làng? Nhà cửa, công sức tiền bạc của người dân bị đập phá, giải tỏa, đến cả từ đường cũng san phẳng thì ai chịu trách nhiệm? Và hiện nay công trình mới mà người khác mua lại đất được hai cấp Tòa tuyên (nay thì là tuyên sai) đã hoàn thành thì sẽ giải quyết ra sao?

Thay cho lời kết

Khiếu kiện nói chung và khiếu kiện đất đai nói riêng được xác định là phức tạp và dễ trở thành điểm nóng. Khách quan do lịch sử để lại đã phức tạp song chính tính không minh bạch, mang nặng lợi ích nhóm trong việc thu hồi, trong giải tỏa đền bù đã đẩy nhiều vụ việc trở thành điểm nóng khó lường.

Những vụ việc như vừa nêu có thể coi lúc đầu là đơn giản song càng ngày càng phức tạp, kéo dài và đều xuất phát từ những người có trách nhiệm, những người cầm cân nảy mực làm sai.

{keywords}
Ngôi nhà hiện đại của bà Ly khi sắp hoàn thành

Đã có luật sư nhận xét chí lý rằng “án dân sự xử kiểu gì cũng đúng”. Kiểu gì cũng đúng? Đây mới chính là tai họa cho những người dân thấp cổ, ít tiền.

Vụ án ông Tâm, bà Bông chỉ anh em với nhau, sự việc rõ ràng, nhưng càng xử càng thấy rối rắm, không có đường ra, vậy tại ai? Có phải do ông Tâm, bà Bông chây ì không chịu hợp tác? Vụ Thanh Oai người dân đáng ra được đất sớm không mất thêm hàng trăm triệu đồng chỉ vì chính quyền “nhét” thêm đối tượng không đúng tiêu chuẩn, dẫn đến thực hiện chậm, và đến khi thực hiện giá cả đất đai theo qui định đã khác trước.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; luật Tiếp công dân của Quốc hội và Nghị định 64 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của luật Tiếp công dân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều trường hợp khiếu kiện do cán bộ làm sai, bảo thủ. Ngoài ra, việc phối hợp tiếp công dân còn chưa chặt chẽ, nhận đơn nhưng chưa đôn đốc giải quyết đến cùng. Phó thủ tướng yêu cầu thời gian tới phải tăng cường năng lực tiếp công dân, tăng cường giải quyết đơn thư khiếu nại.

Kết luận cán bộ sai, bảo thủ như Phó Thủ tướng nên là phù hợp với thực tế song qua các vụ khiếu kiện, những sai phạm đã rõ ràng vẫn không thấy ai chịu trách nhiệm. Cụ thể như hai vụ chúng tôi vừa nêu cho đến nay vẫn không thấy ai bị kỷ luật và vụ việc cũng chưa giải quyết dứt điểm.

Để không xẩy ra tình trạng lạm quyền của cán bộ, tư túi của cán bộ, hay “xử kiểu gì cũng đúng” của Tòa thiết nghĩ phải có chế tài nghiêm minh.

Có xử nghiêm cán bộ làm sai mới mong giảm thiểu được tình trạng khiếu kiện kéo dài, đảm bảo an ninh trật tự.

Luật đất đai 2013 đã có nhiều thay đổi. Giờ không phải ai cũng có quyền thu hồi đất, làm dự án phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đồng ý mới được thu. Đó cũng  là cái phanh để giảm thiểu khiếu kiện kéo dài. 

Chúng ta nói cải cách hành chính, điều này đúng nhưng quan trọng ở chỗ đội ngũ những người thực thi. Mọi cái đều xuất phát từ cái tâm của cán bộ cụ thể. Tâm có sáng thì việc mới đúng, tâm đã đen thì nhiều sự việc không phức tạp trở thành phức tạp. Một khi cán bộ làm sai gây hại cho dân thì phải bị xử lý tương xứng.

Và đó cũng là nguyên nhân và giải pháp.

Nguyễn Đăng Tấn