-Gần đây, các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương có quá nhiều quảng cáo các sản phẩm mà chất lượng thì sai rất nhiều so với quảng cáo. Mua phải những sản phẩm ấy là do tâm lý người dùng nói chung tin tưởng vào các nhà đài. 

TIN BÀI KHÁC

Trong những trường hợp này, người tiêu dùng có quyền kiện các nhà đài vì những sản phẩm họ đã quảng cáo không?

{keywords}
Một hình ảnh quảng cáo trên truyền hình (ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn

Luật Quảng cáo 2012 Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo

1. Được thông tin trung thực về chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

2. Được từ chối tiếp nhận quảng cáo.

3. Được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo.

4. Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Khi tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra; được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo.
Theo Luật Quảng cáo 2012 thì người tiếp nhận quảng cáo có quyền khởi kiện dân sự tuy nhiên phải cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra.

Việc quảng cáo trên truyền hình sai sự thật trước hết phải xác định xem lỗi đó thuộc về doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay thuộc về đài truyền hình. Trong đó, trách nhiệm chính vẫn thuộc về đơn vị cung cấp, do họ phải tự công bố chất lượng và chịu trách nhiệm. Đối với đài truyền hình phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình. 

Người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua sản phẩm qua truyền hình có thể khởi kiện 2 đơn vị trên doanh nghiệp bán hàng và đài truyền hình ra tòa dân sự. 

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ) 

Ban Bạn đọc