- Tôi là nữ, tôi sống cùng với một người cùng giới khác như vợ chồng. Tuy nhiên quan hệ của chúng tôi không được hai bên gia đình và pháp luật công nhận. Hiện nay chúng tôi đã gần 40 tuổi. Chúng tôi muốn xin một đứa con để nuôi cho vui cửa vui nhà hơn nữa là khi về già có người chăm sóc. 

Vậy chúng tôi cần phải làm gì để được quyền nuôi con nuôi. Nếu như không đứng tên “chồng, vợ” thì một mình “chồng” hoặc “vợ” có quyền xin con nuôi không? Xin luật sư tư vấn kỹ càng giúp tôi.

Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: 1- Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính. Việc không công nhận này đồng nghĩa với việc pháp luật không thừa nhận quyền và nghĩa vụ của những cặp “vợ chồng” cùng giới tính, trong đó có quyền nhận nuôi con nuôi. Luật Nuôi con nuôi không có quy định trực tiếp cấm người cùng giới tính nhận con nuôi. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Như vậy, trong trường hợp này thì một mình “chồng” hoặc “vợ” bạn hoàn toàn có thể đứng tên nhận con nuôi.

{keywords}
Cặp "vợ chồng" đồng tính không được nhận con nuôi.

2- Chị lưu ý, về điều kiện đối với người nhận con nuôi (Điều 14- Luật Nuôi con nuôi) : Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

Thì có quyền nhận nuôi con nuôi.

Về điểm c, điều 14 trên thì hồ sơ này phải có xác nhận tình trạng, điều kiện, khả năng nuôi con nuôi của UBND xã/phường nơi chị cư trú.

3- Về nơi đăng ký nuôi con nuôi: Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 19/2011 hướng dẫn chi tiết Luật Nuôi con nuôi thì bạn thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi tại UBND cấp xã/phường nơi đăng ký thường trú của người con nuôi; nếu con nuôi là trẻ bị bỏ rơi thì đăng ký tại UBND xã/phường nơi lập biên bản trẻ bị bỏ rơi; nếu con nuôi là trẻ bị bỏ rơi đang ở trong các trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi thì đăng ký tại UBND xã/phường nơi có trụ sở trại trẻ mồ côi.

4- Chị phải chuẩn bị hồ sơ nhận con nuôi theo Điều 17 Luật Nuôi con nuôi như sau

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của luật này.

Ngoài ra chị có thể xem thêm Điều 19,20, 21, 22 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 để biết chi tiết về thủ tục, thời gian việc xin con nuôi, việc lấy ý kiến của người liên quan đến xin con nuôi

Tư vấn bở luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc