- Anh là đàn ông nhưng cực kỳ chi li, anh tính toán từng đồng với vợ, với gia đình nhà vợ. Mẹ tôi lúc nào cũng nói chồng tôi là kiểu “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. 

TIN BÀI KHÁC:

32 tuổi tôi gặp anh ở nhà người quen. Lúc đó, tôi bị cuốn hút bởi người con trai tuy không đẹp nhưng nói chuyện có duyên. Tình yêu của chúng tôi nhanh chóng nảy nở và kết thúc bằng một đám cưới. Yêu nhau thời gian ngắn mà quyết định cưới nhiều người đã khuyên tôi nên tìm hiểu kỹ. Lúc đó, tôi đang vui trong tình yêu mới nên bỏ ngoài tai tất cả. Tôi biết anh khá kỹ tính trong vấn đề tiền bạc, anh khá chặt nhưng lại rất sòng phẳng. Khi đó tôi nghĩ tính cách anh như vậy, chấp nhận thôi.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhưng ngay sau đám cưới, đêm tân hôn anh khiến tôi hơi sốc khi ngồi kiểm phong bì. Anh tỉ mỉ ghi tên từng người, từng số tiền mừng. Ai mừng nhiều thì anh hỉ hả, cười nói. Ai mừng ít thì anh chê luôn. Thậm chí, bạn của anh anh cũng không tha: “Thằng Bình này keo. Lúc trước đi đám cưới nó mình mừng 500 ngàn. 2 năm rồi mà nó vẫn chỉ mừng có vậy, trong khi tiền trượt giá, xăng lên không biết bao nhiêu lần”.

Những chuyện nhỏ nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày như thế cứ tích tụ dần khiến tôi thấy bực bội, khó chịu. Anh là đàn ông nhưng cực kỳ chi li, anh tính toán từng đồng với vợ, với gia đình nhà vợ. Mẹ tôi lúc nào cũng nói chồng tôi là kiểu “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Ra ngoài xã hội, nơi công sở, siêu thị, hàng chợ… cái tính keo kiệt, tính toán của anh cũng bộc lộ rõ, nhiều lúc khiến người là vợ như tôi phải xấu hổ.

Sau đám cưới bố mẹ tôi có cho tôi 1 căn nhà nhỏ làm của hồi môn. Trước khi lấy nhau, anh và em gái ở trọ. Sau đám cưới, em gái anh chuyển về sống với chúng tôi. Lúc đầu, tôi cũng rất vui vẻ nhưng sống chung một thời gian thì tôi không thể chấp nhận kiểu sống ích kỷ của cô ấy, cô ấy giống hệt anh trai mình, chi li tính toán.

Nhà bố mẹ tôi và nhà tôi ở gần nhau nên thi thoảng con anh trai tôi chạy sang chơi. Hôm đó, tôi đang ở trong bếp nấu cơm thì nghe thấy tiếng em chồng tôi bảo: Cháu về đi cho nhà cô ăn cơm. Nghe vậy, tôi bực lắm nhưng cố kìm lại, chạy ra bảo cháu: Thôi, Long cứ ở đây ăn cơm, để cô gọi điện xin bố mẹ cho ở đây.

Bé nhà tôi được 2 tuổi, ngoài ăn cháo thì còn có thể ăn được thêm nhiều loại bánh trái nên em chồng tôi cũng có mua cho cháu. Nhưng khi có con anh trai tôi thì không bao giờ cô ấy cho cháu một miếng bánh dù trong tủ vẫn còn. Đồ ăn không phải do mình mua nên tôi cũng không tiện nói nhưng thực sự tôi thấy cô ấy không biết điều chút nào.

Nhưng cú sốc lớn nhất mà tôi nghe được lại là chuyện vì sao chồng tôi lấy tôi. Lúc đó, anh đang uống bia với đám bạn nhưng không biết là tôi vẫn chưa ra khỏi nhà. Tôi nghe thấy anh nói với bạn: Không có tao thì ai thèm lấy, vợ tao khi đó là gái lỡ thì rồi. Chẳng qua là có cái nhà thôi. Tôi nghe xong mà choáng váng. Từ trước đến giờ, dù có nhiều bất đồng trong cách sống, nhưng tôi vẫn luôn nhẫn nhịn vì con. Đôi khi, tôi vẫn tự bào chữa cho anh ta bằng lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc phải tính toán, tiết kiệm đã ăn vào máu. Nhưng đến giờ này, tôi nhận ra công sức của mình trở thành công cốc.

Câu nói đó khiến sự bức xúc vốn đã tích tụ từ bao lâu của tôi bùng lên. Chúng tôi đã tranh cãi nảy lửa. Nhiều ngày nay, tôi không nói chuyện với anh ta. Tôi cảm thấy coi thường anh ta vô cùng. Có lẽ, tôi sẽ ly dị…

Ngọc Mai

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn