Vừa qua, dư luận lại đươc “hâm nóng” bởi việc Hoa hậu biển 2006 Vũ Ngọc Diệp tố cáo bị Công ty Phúc An Thịnh “lừa đảo” chiếm đoạt 1 tỷ đồng tiền đặt cọc mua đất. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các bên để rộng đường dư luận hiểu về vụ việc.

Tin liên quan:

Hoa hậu nói mình bị lừa...

Ngày 10/8/2010, tại trụ sở Cty Phúc An Thịnh ở TP.HCM, chị Diệp và Cty đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất DA của Cty Phúc An Thịnh tại khu dân cư 174 ha Thạnh Mỹ Lợi (giai đoạn 2) - Quận 2 - TPHCM. Sau khi ký hợp đồng, chị Diệp đặt cọc 500 triệu đồng theo hợp đồng thỏa thuận ngày 10/8/2010. Đặt cọc lần hai ngày 14/9/2010 là 500 triệu đồng, tổng cộng là 1 tỉ đồng. Theo hợp đồng thì chậm nhất đến ngày 31/1/2011, bên A (Cty Phúc An Thịnh) hoàn tất mọi thủ tục để bên B (chị Diệp) đứng tên trực tiếp trên quyết định giao đất của 2 nền đất...”. Cho đến thời điểm vừa qua (cuối tháng 5/2011), chị Diệp đến khu đất DA ở quận 2, thì biết là mảnh đất đó đã có người sử dụng. Chị Diệp khẳng định đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Chị Diệp gửi đơn thư đi nhiều nơi tố mình bị lừa

Tuy nhiên, phía Công ty Phúc An Thịnh giải thích, hợp đồng ký giữa công ty và chị Diệp là “Hợp đồng đặt cọc” chứ không phải “Hợp đồng chuyển nhượng tài sản”. Và trong khoản 2, điều 4 phần cam kết chung nêu rõ: Hết thời hạn nói trên mà giao dịch không được thực hiện (các bên không tiến hành ký phụ lục hợp đồng) thì xử lý như sau: Nếu giao dịch bị hủy do lỗi của Bên B (từ chối nhận chuyển nhượng với bất kỳ lý do gì), thì bên B phải chịu mất 20% số tiền đã đặt cọc mà không có bất kỳ khiếu nại hay thắc mắc gì. Nếu giao dịch không thực hiện được do lỗi của Bên A (không ra được quyết định giao đất cho bên B với bất kỳ lý do gì) thì bên A phải trả lại đầy đủ số tiền mà bên B đã đặt cọc và bồi thường thêm một khoản tiền bằng 20% số tiền đã nhận đặt cọc. Thời gian bên A phải có trách nhiệm trả lại tiền đặt cọc, tiền thanh toán (nếu có) và tiền bồi thường cho bên B là ngay khi giao dịch bị hủy (hết thời hạn là ngày 31/01/ 2011 mà không được các bên gia hạn).

Theo luật Kinh doanh BĐS và luật Dân sự đều quy định rõ: Những hợp đồng góp vốn tương tự là những giao dịch dân sự, bởi vậy, hợp đồng góp vốn (hoặc đặt cọc) mua bán nhà giữa hai bên phải được xem là căn cứ để giải quyết tranh chấp.

Chị Diệp ký kết hợp đồng đặt cọc nói trên thông qua một người môi giới tên là Nguyễn Hải Long. Đến hạn thanh lý hợp đồng, Công ty Phúc An Thịnh nhiều lần yêu cầu anh Nguyễn Hải Long cung cấp số điện thoại của chị Diệp để liên hệ thanh lý hợp đồng nhưng anh Long luôn tìm cách lảng tránh và từ chối cung cấp. Do đó ngày 10/3/2011, Công ty Phúc An Thịnh đã có Thông báo số 11/TB-2011 cam kết thanh lý hợp đồng đặt cọc đã hết hạn vào 31/01/2011  giữa ông Trương Ngọc Dũng với bà Vũ Thị Ngọc Diệp. Lý do: Tình hình chủ đầu tư thực hiện dự án chưa xong, ông Dũng đồng ý thanh lý hợp đồng đặt cọc đã ký vào ngày 10/08/2010 giữa ông Dũng và bà Diệp về việc giao dịch 02 nền nhà  vào ngày 20/03/2011. Các điều khoản vẫn giữ nguyên theo nội dung đã ký kết, Công ty Phúc An Thịnh sẽ trả lại đầy đủ số tiền mà bên B đã đặt cọc và bồi thường thêm một khoản tiền bằng 20% số tiền đã nhận đặt cọc.

Vì sao hai bên không tìm được tiếng nói chung?


Trước các thông tin đa chiều của các phương tiện thông tin đại chúng, chị Diệp nói đã thường xuyên chủ động liên lạc, thậm chí đến trụ sở công ty nhưng được nhân viên trả lời rằng lãnh đạo của họ đi vắng. “Bên Phúc An Thịnh trì hoãn rất nhiều lần việc trả lại tiền cho tôi cũng như không có câu trả lời xác đáng”. Chị Diệp cũng cho rằng, phía Phúc An Thịnh sẵn sàng chịu tiền như trong hợp đồng đó nhưng không nói rõ cụ thể là sẵn sàng đến khi nào?

Chị Diệp khẳng định: người môi giới tên Nguyễn Hải Long là nhân viên của Phúc An Thịnh, thậm chí bên Phúc An Thịnh cũng đang nợ tiền của chính anh Long. Thực tế, tôi trực tiếp làm việc với anh Dũng giám đốc. Làm gì có chuyện không liên lạc được với tôi”. Chị Diệp nhấn mạnh “bên công an Kinh tế quận 1 cũng đã có giấy triệu tập hai lần nhưng phía Phúc An Thịnh cũng không tới. Nếu lần thứ ba là họ sẽ bị khởi tố”.

Phản ứng với các thông tin mà chị Diệp đưa ra, ông Trương Ngọc Dũng, Tổng giám đốc công ty Phúc An Thịnh khẳng định, chị Diệp chưa bao giờ làm việc trực tiếp với ông Dũng. Bản thân ông Dũng chỉ biết chị Diệp sau khi xảy ra sự việc “rùm beng” trên báo chí nói trên. Ông Dũng nhấn mạnh, mọi giao dịch của chị Diệp đều thông qua anh Nguyễn Hải Long và anh Long là người môi giới chứ không phải nhân viên công ty. Theo luật Lao động thì các nhân viên của Công ty đều phải ký hợp đồng lao động và anh Long không hề có tên trong bảng lương của Công ty Phúc An Thịnh. Ông Dũng khẳng định, bất kỳ lúc nào trong giờ làm việc, chị Diệp đến gặp thì Công ty Phúc An Thịnh sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Dũng khẳng định, hiện nay chưa hề có bất kỳ cơ quan công an nào đến làm việc hoặc gửi giấy mời đến Công ty Phúc An Thịnh về vấn đề trên do đó thông tin của chị Diệp cung cấp trên một tờ báo về việc” triệu tập 2 lần, nếu lần 3 không đến sẽ khởi tố” là không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín công ty.

Phải chăng cuộc tranh cãi về vụ “hoa hậu biển bị lừa 1 tỷ đồng” đã đến hồi kết?  Vấn đề ở đây sẽ được giải quyết nếu hai bên thực sự có thiện chí để tìm thấy tiếng nói chung. Có lẽ chỉ cần chị Diệp đến gặp và thanh lý Hợp đồng với Công ty Phúc An Thịnh thì mọi việc sẽ chấm dứt và không tốn nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí. Đây cũng sẽ là bài học cho mọi người trong vấn đề giao dịch, cả hoa hậu và doanh nghiệp đều phải sòng phẳng, thẳng thắn trong giao dịch.
  •  H. Sơn