- “Em làm vợ anh, chứ không làm dâu đâu nhé”. Nghe tôi nói thế, anh chỉ cười. Sau đám cưới, chúng tôi được mua một căn chung cư trong nội thành cách xa nhà chồng hàng chục cây số. Mong ước không phải làm dâu của tôi thế là mãn nguyện

TIN BÀI KHÁC

Phải nói thêm gia đình chồng tôi cũng thuộc dạng cơ bản, bố mẹ đều là công chức đã về hưu, có nhà nước hỗ trợ nên không lo phải nuôi các cụ. Trong nhà chỉ còn một em trai đang học phổ thông. Nói chung tôi không hề lo lắng bởi lương phiên dịch của mình cộng với lương trưởng phòng kinh doanh của anh khiến chúng tôi khá sung túc. Ngay cả căn nhà chung cư đang ở cũng là hai đứa góp tiền mua. Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Tốt nghiệp xong cấp 3, T., em chồng tôi thi đỗ một trường đại học chỉ cách nhà anh chị hai cây số. Mẹ chồng tôi tỏ ý muốn cho cậu sang ở cùng, dù sao vợ chồng tôi cũng chưa có con, nhà lại còn phòng, nuôi em cho bố mẹ cũng là điều nên làm. Không muốn mang tiếng hẹp hòi nên tôi đồng ý. 

Thời gian đầu, T. rất biết điều. Dù là con trai như cậu bé luôn gọn gàng đồ đạc, chịu khó dọn dẹp nhà cửa. Đến tối vợ chồng tôi về muộn, nếu T. không bận học thì sẵn sàng cơm nước chờ anh chị về ăn cùng. Chúng tôi thấy khá thoải mái. Hằng tháng, khi anh đưa tiền học, tiền tiêu vặt cho em, tôi luôn dúi thêm cho một khoản “phòng thân”. Sau nửa năm, tôi bàn với chồng mua tặng T. cái laptop tiện cho việc học. Thấy vợ tỏ thương em mình như vậy, chồng tôi cảm động lắm.

{keywords}
Tôi phát hiện ra một số món đồ trang sức không cánh mà bay (Ảnh minh họa)

Từ ngày mua máy tính, T. bắt đầu dành thời gian online, mọi việc khác trở nên trễ nải. Sáng ngủ dậy muộn, đêm thức khuya hơn, có khi 3, 4 giờ sáng mới đi ngủ. T. lười dọn dẹp hơn dù là trong phòng mình, hay đồ dùng chung của cả nhà. Chúng tôi cũng không yêu cầu cậu ấy làm hết mọi việc, nhưng đôi khi thấy khó chịu khi phát hiện ra trong đống quần áo của hai vợ chồng, lọt ra chiếc áo của T. bốc mùi vài ngày chưa giặt. Thay vì tự nấu cơm như trước, T. ăn nhiều mì tôm, đồ hộp ăn liền. Vỏ mì, bát mì ăn dở vứt bừa trong bồn rửa, tôi lại xắn tay vào dọn. Tôi có càu nhàu với chồng thì anh cười xòa hỏi ngược lại “thế ai là người đòi mua máy tính cho nó”. Tuy nhiên, anh vẫn nhắc khéo em mình. T chỉ vâng dạ được một hai hôm là y như cũ.

Quả thật, tôi không muốn bị mang tiếng là một bà chị dâu hẹp hòi nhưng dường như mọi việc diễn ra đang quá sức chịu đựng. Đồ đạc bừa bộn hơn, nhà cửa ngày nào tôi cũng phải lau dọn bởi vỏ bánh kẹo, mì tôm kéo theo gián, kiến xuất hiện. Không những thế, có hôm tôi bất ngờ bị mẹ chồng gọi điện mắng vì “không biết làm ăn thế nào để em hay gọi điện về nhà xin tiền”, trong khi chúng tôi vẫn cho T. đầy đủ, thậm chí T. còn xin thêm anh trai nhiều lần mà tôi ko hề hay biết. Tôi nổi cáu với chồng thì bị anh mắng lại, nói không biết quan tâm đến em. Chúng tôi có trận cãi nhau to.

Tôi chưa hết ấm ức thì phát hiện ra, một vài món đồ trang sức nho nhỏ như đôi khuyên vàng tây, hay mặt dây chuyền vàng biến đâu mất. Dù ít đeo nhưng là đồ đắt tiền nên tôi vẫn thường xuyên để ý. Đỉnh điểm, hơn hai chỉ vàng mới mua để tủ quần áo chưa kịp cất vào két sắt cũng không cánh mà bay. Giờ hai vợ chồng đang cãi nhau, tôi không biết phải làm thế nào. Nói ra nhất định anh sẽ nghĩ tôi đổ xấu cho em trai mình, hoặc nếu là thật thì tình cảm anh em, gia đình sẽ xấu đi, bố mẹ chồng chắc chắn ghét tôi ra mặt. Tôi phải làm sao mới giải quyết êm thấm được mọi chuyện?

Thùy Nhung

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn