- Có nhiều người cảm thấy bình thường nhưng cũng có rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi lần đầu gặp chị Nguyễn Thị Hiếu, sinh năm 1979, ở thôn Liễu Ngoại, xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội. Tôi dễ dàng nhận ra chị, bởi chị khác so với người bình thường, toàn thân chị trắng toát, mắt, lông mi, lông mày và tóc đều trắng vì chị mắc bệnh bạch tạng.

Tin bài khác:


Nụ cười hạnh phúc của chị Hiếu và anh Thắng khi lấy nhau.
“Tôi sợ… rất sợ hạnh phúc”

 
Khi trao đổi về trường hợp chị Hiếu, Ông Nguyễn Văn Long- Chủ tịch UBND xã Khánh Hà cho biết: “Xã Khánh Hà gồm có 7 thôn, trong đó duy nhất ở thôn Liễu Ngoại, gia đình ông bà Luyện - Chung là có một người con gái mắc căn bệnh bạch tạng. Đây là trường hợp đầu tiên  xuất hiện và duy nhất trong xã mắc căn bệnh này.

Bác Nguyễn Thị Toan (55 tuổi) hàng xóm của Hiếu cho biết thêm: “Nó là đứa mắc bệnh  này từ bé, nhưng nó ngoan, chịu khó làm ăn, trông nó thế nhưng khối đứa lành lặn bình thường không bằng nó đâu”.

Để xem thực hư thế nào tôi đã tìm đến gặp chị, con đường dẫn vào nhà chị ngoằn ngoèo, nhiều lối rẽ làm tôi khó có thể nhớ nổi khi đi vào lần thứ hai. Trước ngôi nhà cấp 4, bên cạnh ngôi nhà ba tầng hình ảnh một người  phụ nữ với làn da trắng bạch đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ làm hàng mã, chị phải đưa sát lên gần mắt mới có thể làm được.

Rót cốc nước mời tôi uống, cô Nguyễn Thị Chung (mẹ chị Hiếu) kể rằng: “Từ khi sinh em nó đã bị như vậy rồi, ban đầu cả nhà ai cũng lo lắng, bà con hàng xóm đều đến thăm, người đến động viên, chia sẻ có, người hiếu kỳ đến xem cũng có. Bác sĩ cho biết em bị mắc căn bệnh bạch tạng, đây là bệnh do đột biến gen gây lên”.

Ngày trước, những người xung quanh đây có người gọi chị bằng cái tên “bạch tạng”, có người ác khẩu còn gọi chị là “con ma trắng, con chuột bạch”. Chị tủi hổ kể: “Có  nhiều hôm đi chợ Đám, ngôi chợ này cách nhà chị gần 1 km, đến chợ phải đi qua làng Đan Nhiễm lũ trẻ con chăn trâu nhìn thấy chị thì hét lên chúng mày ơi, ra mà xem con bạch tạng kia kìa”. Lúc đó chị không biết nên nói gì chỉ biết im lặng và đạp xe thật nhanh để về đến nhà, nhiều đêm chị đã khóc, thương thân phận mình và thương bố mẹ nữa.

Chị đã tự nhủ lòng mình phải cố gắng sống tốt để không phụ lòng yêu mến của cha mẹ và người thân. Chị cũng được bố mẹ cho đi học như bao đứa trẻ khác nhưng chị học chưa hết cấp 2 thì  phải bỏ dở giữa chừng vì sức khoẻ kém, thường xuyên bị ốm và thị lực cũng không tốt.

Đám cưới hụt… phát thiếp mời rồi hủy

Khi được hỏi về chuyện tình duyên, chị có đôi chút e dè và ngần ngại nhưng rồi được sự động viên của chị Hiền – người em dâu cả,chị Hiếu cũng vui vẻ tâm sự: “Nhiều khi nhìn những đứa bạn cùng trang lứa đã có con bồng, con bế chị cũng mong muốn mình được bằng bạn bằng bè”.

Thế rồi tình duyên cũng đến, năm 1999, chị yêu một anh tên Hải cùng làng. Anh ấy hơn chị hai tuổi, người khoẻ mạnh, lành lặn. Đây là mối tình đầu của chị, anh chị đã yêu nhau được một năm. Gia đình nhà trai đã có cơi trầu dạm ngõ và chỉ vài ngày sau là tới ngày cưới. Cứ ngỡ mọi việc thế là xong, chị sẽ có được mái ấm riêng cho mình. Ai ngờ, họ hàng bên nhà trai cương quyết phản đối chị và anh đến với nhau vì họ sợ rằng nòi giống của họ sau này sinh ra sẽ giống mẹ. Hơn thế nữa, họ còn tuyên bố nếu cố tình tổ chức đám cưới thì cả họ sẽ không ai đến dự. Vậy là đám cưới đó phải huỷ. Chị thở dài: “Mặc dù thiệp mời đã được gửi đi khắp nơi nhưng đành phải hoãn lại, cũng không trách họ được”.

“Có nhiều lúc ở nhà một mình chị cảm thấy cô đơn và đôi khi nghĩ đến sự giải thoát cho bản thân, nhưng sau đó chị lại nghĩ lại, mình làm như thế  là phụ bạc, là là có tội với cha mẹ, với những người đã yêu mến và cưu mang đùm bọc mình”, chị Hiếu nghẹn ngào. Bởi thế mặc dù mang trong mình căn bệnh bạch tạng nhưng chị vẫn luôn sống vui vẻ, lạc quan. Chị nói: “Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống cũng không ai bằng mình, bởi so với người bất hạnh, tật nguyền khác chị còn may mắn hơn họ rất nhiều. Chị còn đôi mắt dù không được tinh nhanh như mọi người nhưng cũng đủ để nhìn, cảm nhận cuộc đời và có tay chân lành lặn để làm được các việc nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình”.

Theo mạch tâm sự của chị tôi mạnh dạn hỏi: Gặp trắc trở trong chuyện tình như vậy có khi nào chị nghĩ mình sẽ sinh con một mình chưa? Chị trả lời giọng như khẳng định: “Chị là người đã gặp bất hạnh rồi nên không muốn con mình sinh ra lại không có cha”.
 
Hạnh phúc dịu dàng và bất ngờ
 
Khi hỏi về chuyện tình là hạnh phúc hiện tại của chị, chị cũng không ngần ngại kể cho tôi nghe giọng như khoe. Có nhiều người bảo: “Con ấy thế mà giỏi, kiếm được thằng chồng vừa đẹp trai, vừa khoẻ mạnh” nhưng có người ghen tị lại nói rằng: “Nó còn lấy được chồng thì cả làng này chẳng có đứa nào ế hết”. Chị cũng biết điều đó nhưng chị không buồn mà ngược lại chị coi đó là hạnh phúc.

Anh Đinh Văn Thắng – chồng chị bây giờ quê ở Phú Thọ, gia đình rất nghèo lại có 9 anh chị em nên anh đã ra Hà Nội để làm ăn sinh sống và duyên trời đã đưa anh chị đến với nhau. “Chị và anh quen nhau qua điện thoại, trên đài VOV giao thông, trong một lần khi chị kết nối với tổng đài để gửi tặng món quà âm nhạc cho một người bạn đã lâu bị mất liên lạc, thế rồi anh Thắng (chồng chị) có số điện thoại của chị hai người từ đó nói chuyện làm quen.

Chị cũng chân thành kể cho anh về bản thân mình, hai người gặp nhau và nói chuyện vậy mà anh không những không thất vọng về chị mà còn thông cảm và sẵn sàng muốn đến với chị. Chị cũng không tin vào tai mình nữa khi anh ấy kém chị 2 tuổi, người khoẻ mạnh, lành lặn, nói yêu và muốn kết hôn với chị. Chị hạnh phúc vô cùng nhưng không dám nhận lời vì chị nghĩ mình không xứng đáng và sợ rằng sẽ không mang được hạnh phúc cho anh. Chị đã nhiều lần tránh mặt anh nhưng càng tránh mặt anh lại càng tìm đến. Sau 3 tháng tìm hiểu từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2010, cuối cùng chị cũng chấp nhận lời đề nghị của anh. Tháng 11/2010, đám cưới được tổ chức tại nhà chị trước niềm vui và lo lắng của hai bên gia đình. “Cho đến nay, chị nghĩ đó như là giấc mơ” chị vui vẻ nói.

Nghe chị kể sau khi cưới xong, anh chị ở lại đây sinh sống làm ăn. Từ khi lấy chồng, chị thấy mình phải sống tốt và sống có trách nhiệm hơn. Vì vậy, chị luôn sống vui vẻ để vun vén cho tổ ấm của mình. Chồng chị hiện đang làm sắt mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Dù vật chất không dư thừa nhưng anh luôn quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho chị chu đáo. Chị rất tự hào về chồng mình.

“Sau hơn một tháng lấy nhau, chị mang bầu vừa mừng lại vừa lo”. Chị Hiếu tâm sự. Mừng vì được làm mẹ đó hạnh phúc mà bấy lâu nay chị  vẫn mong đợi, nhưng lo là đứa trẻ sinh ra sẽ bị di truyền giống mẹ. Vừa cười chị vừa nói tiếp:

“Mấy hôm trước chị đi siêu âm  bác sĩ cho biết thai trong bụng chị được hơn 20 tuần tuổi, hoàn toàn giống bố khoẻ mạnh và phát triển bình thường. Hơn thế nữa, đó lại là bé trai”. Cả gia đình đều mừng cho chị và chồng chị càng vui hơn khi biết tin này. Thế mới biết trong bất hạnh, khổ đau thì đâu đó hạnh phúc vẫn luôn hiện diện và mỉm cười.

Chồng yêu vợ, vợ tự hào về chồng. Hạnh phúc mà chị đang có cũng  là niềm mơ ước của rất nhiều người bình thường khác.

Nguyễn Minh