- Cách đây 10 năm khi đi làm ăn xa chồng tôi có dan díu với một người phụ nữ trên miền ngược và có với cô ta một đứa con chung. Khi cô ta mang con xuống dưới này nhận bố thì chồng tôi phủ nhận và đuổi đi. Tôi thương tình cho cô ta ít tiền và quần áo. Chồng tôi vừa mất cách đây 4 tháng, cô ta mang con xuống đòi đội khăn tôi cũng đồng ý.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi thương đứa bé nhưng tôi cũng cần phải lo cho con cái mình (Ảnh minh họa)

Nhưng chưa được 100 ngày cô ta đã đòi phải chia tiền chia nhà cho đứa con trai đó. Tôi thật sự không biết phải làm thế nào. Tôi muốn đi thử ADN để biết đó có thật sự là con chồng tôi không. Nếu đúng là con ngoài giá thú của chồng tôi thì tôi phải chia tài sản cho cô ta thế nào? Vợ chồng tôi chỉ có một ngôi nhà chung mà hiện tôi và hai con đang sống. Chồng tôi cũng chưa làm giỗ đầu nên tôi không muốn bán nhà. Luật sư hãy tư vấn giúp tôi với.

Trả lời:

Thứ nhất, trong trường hợp cháu bé kia đúng là con ngoài giá thú của chồng bạn thì cháu sẽ được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật theo quy định tại khoản 1, 2 điều 676 Bộ luật dân sự 2005: 

 Ðiều 676. Người thừa kế theo pháp luật

“1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Như vậy, theo quy định này, khi chồng bạn chết không để lại di chúc, di sản thừa kế được chia theo pháp luật thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm bạn, các con của bạn và cháu bé kia là những người được hưởng thừa kế bằng nhau.

Di sản thừa kế của chồng bạn trong trường hợp này là một phần hai tài sản chung giữa bạn và chồng bạn, cùng tài sản riêng của chồng bạn (nếu có).

Pháp luật dân sự không phân biệt quyền thừa kế theo pháp luật của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với di sản của cha. Vì vậy, nếu bạn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh đó là con của người chồng bà sinh sống  không có hôn thú thì người con vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế. Khi đó, con ngoài giá thú được coi là con đẻ của chồng bà. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 về hàng thừa kế theo pháp luật thì con đẻ thuộc diện hàng thừa kế thứ nhất.

Thứ hai, về việc phân chia căn nhà:

Khoản 2 điều 685 Bộ luật Dân sự 2005: “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.” Theo quy định này nếu bạn chưa muốn bán căn nhà trên, bạn có thể thỏa thuận với mẹ cháu bé về việc định giá căn nhà, bạn vẫn giữ căn nhà và thực hiện việc chi trả suất thừa kế của cháu bé bằng tiền. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được với mẹ cháu bé mà bạn vẫn không muốn bán căn nhà thì bạn có thể yêu cầu tòa án xác định phần di sản mà người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong khoảng thời gian bạn mong muốn, nhưng không được quá 3 năm theo quy định tại điều 686 Bộ luật dân sự 2005: “Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế.”

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc