- Tôi có ba người con trai, trong đó hai đứa đầu đang làm ăn kinh doanh tử tế. Đứa thứ ba do chiều chuộng từ nhỏ nên chơi bời lêu lổng, không học hành hay làm được gì, ăn bám bố mẹ.
TIN BÀI KHÁC
Việt kiều muốn nhập lại quốc tịch dễ hay khó?
Tôi không chu cấp tiền bạc thì bà nội cháu lại chiều khiến cháu hư hỏng, sa vào con đường nghiện ma túy, cờ bạc. Dù đã nhiều năm dạy bảo, đưa vào trung tâm cai nghiện nhưng vẫn không hối lỗi. Nay phát hiện ra con tôi bị HIV, lại dan díu với một cô gái gọi có thai, chồng tôi rất tức giận. Hiện giờ chúng tôi muốn truất quyền thừa kế của con trai thứ ba với toàn bộ tài sản gia đình có được không? Thủ tục thế nào? Rất mong luật sư tư vấn.
Chúng tôi bất lực trước đứa con trai hư hỏng (Ảnh minh họa) |
Với tư cách là chủ sở hữa tài sản, cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hợp pháp đối với tài sản đó. Theo đó, cá nhân có quyền để lại di sản và thực hiện quyền lập di chúc để định đoạt tài sản đó. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của họ trước khi chết.
Người để lại di sản có quyền chỉ định người nào không được hưởng di sản theo di chúc. Tuy nhiên, quyền này của người để lại di sản không tuyệt đối mà chịu sự hạn chế bởi quy định của pháp luật
Thứ nhất, Điều 648 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền của người lập di chúc:
Điều 648.Quyền của người lập di chúc
« Người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Theo quy định này thì vợ chồng bạn có quyền truất quyền thừa kế của con bạn trong di chúc của mình. Khi đó con bạn sẽ không có quyền được hưởng di sản thừa kế của vợ chồng bạn khi vợ chồng bạn mất đi.
Thứ hai, vợ chồng bạn muốn truất quyền thừa kế của con bạn đối với tất cả tài sản của cả hai vợ chồng bạn. Như vậy, trường hợp này vợ chồng bạn nên làm di chúc chung vợ chồng, định đoạt phần tài sản của mình và truất quyền thừa kế của người con đó theo quy định tại điều 663 Bộ luật dân sự:
Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng
“Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.
Trong một số trường hợp, pháp luật quy định quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, các đối tượng được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cụ thể, Điều 669 BLDS quy định:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”
Như vậy, những đối tượng thuộc điều 669, BLDS là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên không có khả năng lao động vẫn sẽ được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Quy định này của pháp luật là nhằm bảo vệ quyền lợi của những người có quan hệ gần gũi, huyết thống với người để lại di sản, dù bị truất quyền họ vẫn đáng được hưởng một phần di sản do người chết để lại.
Theo thông tin bạn cung cấp thì con trai thứ ba của bạn vừa nghiện, vừa nhiễm HIV nên có thể thuộc trường hợp không còn khả năng lao động theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Điều 2. Giải thích từ ngữ
3. Người bị nhiễm HIV không còn khả năng lao động là người bị nhiễm HIV dẫn đến không có đủ sức khỏe để làm việc mang lại thu nhập.
Tóm lại, quyền “truất” quyền thừa kế của người khác của người lập di chúc được pháp luật bảo vệ và tôn trọng nhưng chỉ có hiện lực khi việc định đoạt bằng di chúc thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 652 BLDS. Nếu người lập di chúc không tuân theo những điều kiện của di chúc hợp pháp thì di chúc đó bị xác định là không hợp pháp và mặc dù ý chí của người có tài sản được pháp luật bảo hộ và tôn trọng nhưng quyền định đoạt của người có di sản không phải là tuyệt đối. Bên cạnh đó, quyền này của người lập di chúc không vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật thừa kế. Vì vậy, nếu con của bạn thuộc trường hợp không còn khả năng lao động thì con bạn vẫn được hưởng di sản bằng 2/3 suất của người thừa kế theo pháp luật.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc