- Chúng tôi rất mừng vì QH vừa thông qua cho phép chuyển đổi giới tính. Chúng tôi rất mừng vì mình có thể sống đúng với con người thật của mình. Tuy nhiên chúng tôi không biết khi chuyển đổi rồi chúng tôi có được đăng ký kết hôn như những người bình thường không? Nếu được chúng tôi phải làm thủ tục ở đâu?

Có thể tóm tắt yêu cầu của bạn như sau: Bạn muốn biết người đã chuyển đổi giới tính có được kết hôn như người bình thường hay không và nếu có thì thủ tục sẽ như thế nào.

a. Về việc chuyển giới

Điều 37 Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định cá nhân có thể chuyển đổi giới tính. Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Như vậy sau khi Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực thì cần có văn bản hướng dẫn để xác định điều kiện của việc chuyển đổi giới tính. Sau khi chuyển đổi giới tính thì người đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Điều 37. Chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

b. Về việc kết hôn sau khi chuyển giới

{keywords}

Chuyển giới rồi có được kết hôn hợp pháp?

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (Khoản 5 Điều 3). Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 theo đó:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Điều 9 Luật này về Đăng ký kết hôn cũng quy định:

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

Như vậy theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình thì nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính. Không thừa nhận không có nghĩa là cấm. Bạn vẫn có thể kết hôn với người cùng giới tính nhưng hôn nhân sẽ không được thừa nhận và bạn sẽ không thể đăng ký kết hôn. Và như vậy việc kết hôn này sẽ không có giá trị pháp lý và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng giữa hai người.

Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi giới tính rồi thì giới tính của bạn sẽ là nam (hoặc nữ) theo giấy tờ hộ tịch mới và bạn có thể thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn như bình thường với một người nữ (hoặc nam) (không đồng giới) như bình thường quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Quy trình, thủ tục đăng ký kết hôn được quy định chi tiết tại Điều 49 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như sau:

Điều 49. Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn

1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây của mỗi bên:

a) Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;

b) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân đối với công dân Việt Nam; giấy tờ để chứng minh về tình trạng hôn nhân của công dân nước láng giềng do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng.

Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của Nghị định này.

2. Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký kết hôn.

3. Người nộp hồ sơ phải xuất trình giấy tờ sau đây:

a) Giấy chứng minh nhân dân biên giới đối với công dân Việt Nam; trường hợp không có Giấy chứng minh nhân dân biên giới thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới kèm theo giấy tờ tùy thân khác để kiểm tra;

b) Giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ khác đối với công dân nước láng giềng do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp để chứng minh việc người đó thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ. Sau khi đã thẩm tra hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Sở Tư pháp để xin ý kiến, kèm theo bản chụp bộ hồ sơ.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã thì Sở Tư pháp xem xét hồ sơ và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

6. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký kết hôn như đối với trường hợp đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở trong nước theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

7. Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn thì Sở Tư pháp có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo cho người có yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do.

Tư vấn bởi Ls. Nguyễn Thành Công - Công Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc