- Khi gia đình còn yên ấm, tôi đã nghe lời mẹ chồng góp 10 cây vàng để bà xây lại ngôi nhà mới. Khi đó vì nghĩ người trong nhà, tôi cùng chồng tôi đưa vàng góp với mẹ mà không có giấy tờ gì cả.
Nay chồng tôi có vợ bé, con riêng bên ngoài nên chúng tôi ly hôn. Tôi có hỏi đến số vàng trước đây đưa cho mẹ chồng nhưng bà chối chưa nhận số vàng đó, chồng tôi cũng quay lưng lại cùng nói giống như mẹ.
Tới đây ly hôn tôi còn phải nuôi con nhỏ, tôi rất cần lấy lại phần tiền mình đã đóng góp. Nhưng hiện nay nhà đang ở do bố mẹ chồng tôi đứng tên, mẹ chồng và chồng tôi cũng không chịu thừa nhận việc tôi góp vàng trước kia để xây nhà. Luật sư xin tư vấn cho tôi, trường hợp của tôi có khi nào ly hôn phải ra đi tay trắng không? Con trai của tôi có được hưởng quyền lợi gì không nếu cháu sống cùng tôi sau khi bố mẹ ly hôn? Bạn đọc Nguyễn Thanh Mai, ở Hải Dương.
Ảnh minh họa |
Tư vấn luật sư:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi.
Theo thông tin bạn cung cấp, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Để đòi lại số tiền bạn đã đóng góp để xây lại ngôi nhà đứng tên bố mẹ chồng, bạn cần tiến hành khởi kiện ra TAND có thẩm quyền. Tại đây, để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, bạn cần phải xuất trình một trong những chứng cứ sau:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được. Trường hợp không có giấy tờ, văn bản chứng minh, bạn có thể đưa ra những tài liệu khác như băng hình, ghi âm,… về việc giao tài sản cho mẹ chồng.
- Lời khai của người làm chứng. Có thể là bất kỳ cá nhân nào chứng kiến việc giao nhận tài sản đóng góp hoặc liên quan trực tiếp tới việc mẹ chồng bạn sử dụng tài sản đóng góp. Ví dụ như xác nhận của cơ sở đã cung cấp vật liệu để xây dựng nhà cho bố mẹ bạn, hay họ hàng các bên chứng kiến việc bạn đóng góp xây dựng ...
Về mặt nguyên tắc, bạn là đương sự trong vụ án nên bạn phải có nghĩa vụ chứng minh những yêu cầu của mình là có căn cứ. Trường hợp không thể cung cấp được các chứng cứ này, bạn có thể để nghị toà án thu thập.
2. Ngoài tài sản là ngôi nhà nêu trên, nếu trong thời kỳ hôn nhân, bạn và chồng tạo lập được các tài sản khác thì bạn có quyền yêu cầu toà án phân chia những tài sản đó theo quy định pháp luật.
3. Về quyền lợi của con sau khi ly hôn.
Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn Nhân và Gia đình thì: sau khi ly hôn, Nếu không trực tiếp nuôi con thì cha (hoặc mẹ) có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng sẽ theo thoả thuận của bố mẹ và phù hợp với tình hình kinh tế thị trường. Nếu không thoả thuận được thì có thể yêu cầu toà án giải quyết.
Trân trọng.
Tư vấn bởi Luật sư: Hoàng Tuấn Anh, Công ty Luật TNHH Gia Phạm. Số điện thoại: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).