- Không chăm sóc cha mẹ già đau yếu như chị Hoàn, nhưng chị Khúc Thị Phương, thôn Kim Ngọc 3, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã phải chịu đựng bao nỗi buồn khổ, sự đau ốm, bệnh tật và nay là nỗi cô đơn hiu quạnh đến nhói lòng.

TIN BÀI KHÁC:
Đau lòng con điên dại vác thùng đánh bố
Đau đớn cặp song sinh 10 lần gãy chân tay

Bố chị đã mất từ rất lâu do bệnh tật, chị ở cùng người mẹ già. Ngày ngày 2 mẹ con dựa vào nhau mà sống. Mẹ là người thân, người bạn để chị Phương ngày ngày dốc bầu tâm sự. Căn nhà nhỏ bé ấy thật ấm áp vì có hơi ấm của cả mẹ và con.

Năm 2005, bệnh tật đã cướp đi mẹ chị Phương. Căn nhà nhỏ bé ấy giờ đây chỉ còn mình chị sớm tối ra vào.

Nỗi đau bệnh tật hành hạ

Cứ ngỡ cuộc đời khổ lắm cũng chỉ đến vậy. Nhưng năm 2007, chị bắt đầu mắc căn bệnh thấp khớp. Tiền thuốc điều trị nhiều gấp mấy lần tiền chị làm ra. Căn bệnh đòi hỏi phải kiêng những việc nặng nhọc, chị Phương chia sẻ: “Nói thì vậy nhưng làm sao mà kiêng được, nhà có một mình, kiêng bệnh thì ai làm, không chết vì bệnh thì cũng chết vì đói. Có ai giúp được mình mãi chứ”. Vậy là dù nguy hiểm nhưng chị Phương vẫn đi làm kiếm tiền nuôi mình.

Thân thể chị Phương gầy gò vì bệnh tật hành hạ
Ngoài việc cấy gặt hơn sào ruộng của nhà, chị Phương còn làm thuê, làm mướn mong có thêm thu nhập dùng vào việc sinh hoạt và chữa trị bệnh.

Thuốc thang chữa trị không đảm bảo nên bệnh tình của chị cứ ngày một nặng thêm. Kết quả, đã 2 năm nay chị Phương không còn khả năng lao động. Căn bệnh làm việc đi lại của chị Phương gặp nhiều khó khăn. Đôi bàn tay  không ngừng run lẩy bẩy vì cơn đau khớp hành hạ.

Khi chúng tôi bước vào, bàn tay ấy không đủ sức kéo chiếc ghế từ góc nhà ra mời khách. Nét bối rối, thẹn thùng thoáng hiện trên khuôn mặt gầy xanh xao, hốc hác của chị: “Mọi người tự rót nước giùm tôi nhé”_chị nói mà như không còn chút sức lực. “Mấy lần ngã từ sân xuống hè, cứ ú ớ gọi nếu có người thì họ đến giúp, nếu không thì còn phải nằm ở đó chán mới đứng dậy được. Bậc hè thì cao, ngã như vậy đau lắm ấy chứ.”_ bác hàng xóm cạnh nhà chị Phương chia sẻ.

Chị Phương không thể tự chăm sóc mình vì đôi chân ốm yếu, đôi tay run  run không còn sức lực. Rất muốn hoạt động, rất muốn lao động, nhưng chị dường như bất lực bởi sức khỏe không cho phép: “Buổi sáng gặp ai thì nhờ họ chải giúp cái đầu, tự mình không thể chải được. Quần áo đều nhờ chị em, ai rảnh thì họ giặt hộ”_chị ngượng ngùng chia sẻ.

Hỏi lý do khiến chị Phương không điều trị tại bệnh viện, chị chỉ biết thở dài: “Anh em đều bận cả, ai rảnh để đưa đi khám nhiều thế. Nằm viện không có người chăm sóc còn khổ hơn. Ở nhà thỉnh thoảng còn nhờ bà con làng xóm”. Phía sau lý do đó là tiền bạc, đi viện là phải kèm theo rất nhiều những khoản tiền cần chi tiêu, chị Phương thì lấy đâu ra nhiều tiền như vậy: “Được khám bệnh miễn phí đấy, nhưng nếu nhập viện thì còn nhiều khoản phải lo lắm, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày chẳng hạn. Được hưởng tiền trợ cấp đấy, nhưng không thấm gì so với cuộc sống và căn bệnh hiện tại cô ấy mắc phải”_ bác Thoát, hàng xóm gần nhà cô Phương thương cảm nói.

Ngôi nhà chị Phương đang ở là nhà tình thương do UBND xã Liên Giang xây dựng cho mẹ chị được gần 15 năm nay. Nay mẹ mất nên chị hưởng lại căn nhà ấy. Gia đình có hơn sào ruộng nhưng bệnh tật buộc chị phải ở nhà. Người phụ nữ quá nửa đời người làm nông nghiệp, cấy thuê, gặt mướn vậy mà phải bó tay với hơn sào ruộng của chính mình: “Không cấy gặt được nên phải khoán cho người ta. Mỗi vụ họ trả được mấy chục cân thóc, ăn còn không đủ nói gì đến bán”_bác Thoát cho biết thêm.

Chị Phương có 5 anh em, nhưng may mắn cũng không mỉm cười với họ: “Một chị gái và 2 anh trai cô ấy đều chết cả vì bệnh tật. Một anh khác bị tâm thần, hoàn cảnh cũng khổ lắm. Người em trai út của chị kinh tế không khấm khá gì nên việc giúp đỡ cũng hạn chế”_chú Duyên, người hàng xóm chị Phương cho biết.

Niềm đau xót vô hình

Tâm sự với chị về chuyện gia đình, chồng con mới thấy rõ được sự đau khổ hằn sâu trong đôi mắt ấy: “Mình nghèo như vậy thì ai lấy, cũng muốn có con nhưng đến bản thân còn không nuôi nổi sao đủ sức nuôi con. Sống một mình thôi....” Dừng lại hồi lâu chị nói tiếp: “Cô hỏi tôi về ao ước à …. có chứ…. Nhưng tôi không thể nói ra được…”_Đôi mắt nhìn xa xăm, tôi biết chị đang khóc.

Việc cắm cơm mỗi bữa phần lớn đều phải nhờ chị em hàng xóm: “Mình chỉ sang cắm hộ tí cơm thôi, thức ăn anh em có thì cho, bằng không thì lại ăn cơm với muối cô à. Đấy cô xem, khẩu phần chỉ có nồi cơm ấy và lọ bột canh bên cạnh kia”_ chỉ vào nồi cơm trống trơn và lọ bột canh để bên cạnh, bác Thoát cho biết. Tôi nhận thấy đôi nét ngượng ngùng hiện rõ trên khuôn mặt chị.

Đã quá trưa, khi tôi ngỏ ý muốn cắm cơm đỡ chị, chị vội vã ngăn lại: “Không cần đâu cô ạ. Tôi ăn sáng ngày no rồi …. Trưa nay “không muốn” ăn nữa. Để tối ăn thể thôi”. Tôi chào chị ra về trong lòng không khỏi băn khoăn: lại một trưa nữa chị “không muốn” ăn cơm, mà ăn với gì nhỉ khi trong nhà chỉ còn vẻn vẹn 3.500 đồng.

Đôi mắt buồn, rưng rưng vì nỗi đau “vô hình” và niềm ao ước được chữa khỏi bệnh, được đi làm như ngày chưa đau ốm. Đó là một ước mơ lớn của chị Phương. Chị cần lắm những tấm lòng nhân ái, những nhà hảo tâm giúp đỡ chị vượt qua cơn bệnh tật để có cơ hội tự nuôi sống bản thân mình.

Nguyễn Yến

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp đến gia đình
Chị Khúc Thị Phương, thôn Kim Ngọc 3, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

2. Qua Báo VietNamnet (Ghi rõ ủng hộ chị Khúc Thị Phương)

Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

3. Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 156 Xã Đàn II, Phường Nam Đồng - Quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 0923457788 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn