- Nó đang tắm dưới ao, tôi chỉ nó chỗ nào cần phải kỳ cho sạch. Ai ngờ mắt nó lừ lừ, từ ao lao lên dùng thùng nước đập liên tiếp vào mặt, vào đầu tôi.

Tin bài khác:
Bà 70 nuôi con tâm thần, cháu học đại học
Xót lòng thiếu phụ nuôi 3 con bệnh hiểm nghèo

Đau đớn cặp song sinh 10 lần gãy chân tay

Em bé Phố Cáo gồng mình “cõng" cuộc sống


Ông là lao động chính trong nhà, vừa đi cắt ruột thừa về đã phải đi nhổ mạ ngoài đồng. Ăn uống không được đảm bảo, bữa cơm có rổ rau muống luộc, đổ thêm tí muối, tí mì chính vào nước để làm nước chấm, thỉnh thoảng có thức ăn con cháu mang sang mới có tí mà ăn. Nói chung gia đình ông ấy là khổ nhất cái xã, cái thôn này đấy”- ông Phạm Văn Hiếu, phó trưởng thôn Dân Chủ xót xa.

Đó là gia đình ông Phạm Văn Bích (sinh năm1937), thôn Dân Chủ, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Hàng xóm láng giềng không khỏi xót xa cho hoàn cảnh gia đình ông, vợ chồng già yếu làm nụng vất vả nuôi hai con trẻ: một tâm thần, một ngớ ngẩn.

Cha già nuôi con điên dại

Chị Phạm Thị Khanh (47 tuổi), là một trong số 2 người con gái của ông, từ nhỏ may mắn đã không mỉm cười với chị, bị ảnh hưởng của bệnh sởi từ lúc mới 8 tháng tuổi không được chữa trị kịp thời, bệnh chạy vào não và bị ảnh hưởng thần kinh, chị Khanh sống cuộc sống ngớ ngẩn đến tận bây giờ. “Cũng chả làm ăn được gì cả, nấu cơm mà không có người kèm cặp thì chỉ có không sống thì khê, làm việc thì lợn lành hóa lợn què”- ông Bích chia sẻ.

Chị Khanh như vậy nhưng vẫn được cho là may mắn hơn vạn lần cậu em trai mình. Anh là Phạm Văn Mạnh (sinh năm 1973), ngày còn trẻ anh Mạnh khá cao to, đẹp trai, luôn ấp ủ mơ ước sau này đi bộ đội về kiếm được công việc ổn định để bố mẹ bớt khổ. Trở về sau 4 năm rèn luyện trong bộ đội, anh mang trong mình ý chí quyết tâm. Ước mơ chưa kịp thực hiện cũng là lúc anh mắc phải căn bệnh tâm thần quái ác.

“Ngồi kể chuyện về bệnh tật của nó thì có mà kể cả ngày cũng không hết. Mấy chục năm rồi, nhiều lắm. Bây giờ thì phải nhốt riêng một phòng, bệnh tình ngày càng nặng, thả ra nguy hiểm lắm”- ông Bích than thở.


Anh Phạm Văn Mạnh điên điên, dại dại
Người mẹ già 74 tuổi (gần đây bị căn bệnh thấp khớp không làm được việc gì) đã quá quen hình ảnh dặt dẹo, phá phách bởi người con trai điên dại của mình, ánh mắt vô hồn bà Ly cho biết: “Lúc bệnh tật vẫn nhẹ, nhà đã mất 2 cái xe đạp vì tội vạ đâu vất đấy của nó (anh Mạnh_PV), rồi bắt chó, bắt mèo trong nhà đập chết. Thóc trong nhà nó còn vác vất xuống ao. Chả biết gì hết”.

Nhớ lại, bà kể tiếp: “Cái đợt cả nhà đi vắng hết, nó ở nhà châm lửa đốt đống rơm, may mà có người phát hiện dập lửa kịp thời nếu không cháy sang cả nhà thì còn khổ nữa”. Thời trai trẻ anh từng sống với bao mơ ước về một công việc ổn định nhưng bệnh tật đã vô tình biến anh  thành kẻ phá hoại kinh tế gia đình, thứ mà cha mẹ già anh phải vắt kiệt sức lao động mới có được. Cây hòe ông Bích trồng để bẻ hoa bán lấy tiền, nhưng hễ ra hoa là  anh Mạnh bẻ vứt xuống ao. Lần khác, lúc bị nhốt trong phòng, anh Mạnh đã tìm cách leo lên mái nhà, dùng gậy thúc vỡ ngói nhằm thoát ra ngoài, may mắn được người nhà phát hiện nên anh không sao. Tuy nhiên cái mái nhà ấy cho đến nay vẫn chưa được sửa chữa bởi điều kiện kinh tế chưa cho phép.

Ông Bích miên man ngồi kể những “chiến tích” mà con trai ông có được: “Nó toàn đi lang thang thôi, đi thế này thì chết ở đâu cũng không ai hay. Có lần đến tận Hải Phòng làm cả nhà lo sốt vó. Tìm khắp nơi mà chẳng thấy, may mà người quen bên ấy nhận ra đưa về nhà, lần ấy mất cả tuần như ngồi trên đống lửa. Lần khác thì lang thang đến xã bên cạnh, họ tưởng côn đồ nên bắt lại, khi biết tình hình bệnh tật họ đã gọi điện cho gia đình đến đón về. Có lần bị dân làng họ đánh tới tấp vì cứ ngỡ là trộm đêm. Nếu kể ra thì có mà cả ngày không hết”.

“Nó đi lang thang mọi người cũng thương lắm nên ai có gì thì họ cho cái ấy. Nhưng nếu cho thức ăn thì ăn chứ cho tiền là xé ngay, nhất định không lấy”_ bác hàng xóm gần nhà anh Mạnh cho biết.

Con điên dại “chăm” lại cha già

Không ý thức được bản thân, hành động như một tên du côn, vì vậy nạn nhân của anh Mạnh chính là bố mẹ già - người đã ngày ngày cặm cụi, vất vả làm lụng lấy tiền thuốc thang cho anh.

Không thể quên những trận đòn chết đi sống lại do chính con trai mình gây ra, đôi vợ chồng già đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Ai đời con cái lại hành hung cha mẹ, nhưng vì bất đắc dĩ nên ông bà cũng chỉ biết chịu đựng, nén chặt nỗi đau vì biết đó cũng là “vì bệnh tật nên con tôi mới thế”.


Ông Bích kể chuyện chăm người con "điên dại"
Ông Bích kinh hoàng nhớ lại: “Nó đang tắm dưới ao, tôi chỉ nó chỗ nào cần phải kỳ cho sạch. Ai ngờ mắt nó lừ lừ, từ ao lao lên dùng thùng nước đập liên tiếp vào mặt, vào đầu tôi. Lần ấy phải nhập viện đến cả tuần, tưởng không sống nổi nữa”. Với ông đó là trận đòn đáng sợ nhất, thỉnh thoảng bị ăn đấm, ăn dép của con trai là chuyện thường tình như cơm bữa: “Nếu thấy nó đã lừ lừ mắt là phải cẩn thận, nếu không là chết với nó, lúc nào cũng trực ném dép vào mặt người khác”- ông cho biết thêm.

Bà Ly, từng là nạn nhân của cậu con trai tâm thần kể lại: “Lần ấy nhờ nó vác hộ thúng thóc ra phơi, ai ngờ nó ấn cổ tôi xuống đống thóc, tôi phải bò lê lết ra hiên kêu người giúp đỡ, nhỡ nó lên cơn đánh chết thì khổ, may mà đứa cháu phát hiện ra. Lần khác thì nó đấm cho sưng húp một bên mặt, choáng váng đến cả mấy ngày liền mới hồi lại” - chúng tôi hiểu bà đã quá quen với những trận đòn như vậy, mọi đau đớn về thể xác và tinh thần đã trở thành những vết chai sạn, không hơn, không kém.

Người chị tâm thần, gầy còm cũng không thoát khỏi những trận đòn do con quỷ độc ác đang điều khiển cơ thể người em tra trấn, một lần chị đã bị đấm chảy máu tai, gia đình không có tiền thuốc thang nên bà Ly để con ở nhà tự chăm sóc vết thương cho con.

4 người con còn lại của ông bà đã có tổ ấm riêng, điều kiện kinh tế cũng không dư dật nên việc giúp đỡ bố mẹ già và 2 em tâm thần cũng rất hạn chế: “Chúng nó cũng không khá giả gì, thỉnh thoảng có đến giúp đỡ chăm sóc thằng Mạnh đỡ đần bố mẹ già yếu nhưng cũng bị nó đánh cho luôn đấy, ai nó cũng có thể thẳng tay đánh không thương tiếc, chả biết cái gì hết”_ông Bích buồn rầu.

“30 tuổi con muốn lấy vợ”


Mấy chục năm nay, bệnh tình của anh Mạnh không mấy chuyển biến mà ngày một trầm trọng, tính tình cục cằn, điên loạn hơn, sức khỏe cứ ngày một yếu đi. Chạy vạy khắp nơi mong chữa khỏi bệnh cho con, nhưng theo đuổi được 5 năm thì kiệt quệ, không còn sức để tiếp tục chữa bệnh cho con, ông bà đành ngồi vậy chứng kiến cảnh bệnh tật của con ngày một nặng thêm mà lòng không khỏi xót xa, đau khổ.

Căn nhà ngói do các con ông dựng lên lúc chưa lập gia đình nay trống trơn không còn thứ gì giá trị ngoài mấy bao thóc không đủ ăn và chiếc bàn thờ tổ tiên. Căn buồng nhỏ được dùng để nhốt đứa con trai tâm thần: “Bệnh của nó cứ ngày một nặng, không nhốt vào nó mà ra được thì chết. Ăn uống, vệ sinh, tắm rửa ở hết trong đó. Gần đây sức khỏe nó yếu nên ít đập phá hơn. Nó chẳng thèm mặc quần áo, mặc vào lại xé ra, cứ ở truồng như vậy đấy”_ông Mạnh buồn rưng rưng.

Căn phòng giam cầm người đàn ông bất hạnh ấy bốc mùi khai khú, khó chịu: “Gia đình vẫn phải múc nước, cọ rửa luôn luôn đấy nhưng mà dù thế nào cũng không thể hết mùi được. Hôm trước còn bậy ra tay rồi đưa ra cửa sổ cho tôi, bị tôi quát nên nó bỏ vào trong, mình lại phải đi dọn. Muốn con sạch thì mình phải khổ thôi”_bà Ly thở dài ngao ngán.

Những ngày nắng nóng đến cháy ra cháy thịt, cánh cửa sổ căn phòng bị chính anh Mạnh phá hỏng nên nắng cứ thế mà soi thẳng và chỗ anh nằm. Oi bức là thế nhưng bà Ly cũng không thể bật quạt điện cho con: “Cũng thương nó lắm, trời nóng bức thế này, nhưng nếu để quạt thì sợ nó nghịch điện giật chết. Chỉ giám đưa cho con cái quạt để nó tự phe phẩy thôi”_đôi mắt bà rưng rưng vì nỗi thương con quặn lòng.

Được biết gia đình ông Phạm Văn Bích nằm trong danh sách hộ nghèo, anh Mạnh và chị Khanh được hưởng trợ cấp tàn tật, tuy nhiên số tiền ít ỏi 180.000đ/người/tháng chẳng thấm gì so với hoàn cảnh khó khăn mà gia đình ông Bích đang phải đối mặt.

“Thời gian đầu bệnh tình thằng Mạnh còn nhẹ, lúc tỉnh táo nó vẫn nói là năm 30 tuổi nó muốn lấy vợ, nhưng rồi bệnh tình ngày một nặng, không có tiền để thuốc thang, chạy chữa nên đành chịu nhìn con như vậy. Đến giờ chắc chả còn cơ hội tỉnh lại mà mơ ước”_người mẹ già chia sẻ về mơ ước của cậu con trai.

Hiện tại gia đình ông bà chỉ biết cho con uống thuốc do Uỷ Ban Xã cấp hàng tháng, không có điều kiện để chạy chữa cho con. Gia đình ông bà cần lắm những tấm lòng nhân ái giúp đỡ ông bà thuốc thang chạy chữa cho con. Nhìn cảnh tượng anh Mạnh quằn quại, đau đớn vì bệnh tật, ai cũng đều xót thương cho số phận bạc bẽo này.

Nguyễn Yến
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp đến gia đình
Ông Phạm Văn Bích, thôn Dân Chủ, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

2. Qua Báo VietNamnet (Ghi rõ ủng hộ ông Phạm Văn Bích)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

3. Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 156 Xã Đàn II, Phường Nam Đồng - Quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 0923457788 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn