Dù gia đình ra sức ngăn cấm nhưng chị vẫn một lòng nhất quyết lấy người đàn ông mù cả hai mắt, chuyên hành nghề ăn xin, gia cảnh thiếu thốn trăm đường để được nâng khăn sửa túi. Chuyện tình của họ được viết lên như chuyện cổ tích về tình thương, tình yêu, lòng bao dung vô bờ. Đấy là câu chuyện về đôi vợ chồng chị Nguyễn Thị Hứng và anh Lê Văn Ưu ở xóm Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

TIN BÀI KHÁC

Họ vui hơn khi giờ đây, căn nhà nhỏ rộn tiếng cười khi lần lượt bốn đứa con chào đời lành lặn, khỏe mạnh bình thường. Nghèo đói, túng thiếu triền miên và họ cứ sống khắc khoải, khắc khoải như thế.

Con thơ mù lòa nuôi cha già bệnh tật

Một buổi chiều những ngày đầu tháng 8/2011, mưa như cầm vò trút nhưng ý định tìm đến ngôi nhà có người đàn ông kỳ lạ không sao ngăn được bước chân tôi. Mưa xối xả, trắng xóa cả một vùng trời, nước ào ào đổ từ trên khe núi về khiến cả cánh đồng ở xóm Thái Xá 1 lênh láng, bạc trắng không biết đâu là bờ. ở cuối cánh đồng ấy có ngôi nhà nhỏ bé của gia đình anh Lê Văn Ưu và chị Nguyễn Thị Hứng, có lẽ sự nghèo nàn, túng quẫn hiện hữu nơi gia đình này không biết lấy ai mang ra để so sánh cùng. Dường như số phận đã điểm chỉ bắt họ phải nghèo, phải khổ không có con đường nào để chọn lựa.

Anh Ưu sinh năm 1954 trong một gia đình nghèo nhưng lại đông anh em. Tuổi thơ Ưu cũng như bao chúng bạn cùng trang lứa, vì nhà nghèo lại đông miệng ăn, đến tuổi đi học nhưng Ưu không được đến trường mà phải đi ở, chăn trâu chăn bò thuê hết nhà này đến nhà khác. Tuổi thơ bất hạnh đã là một nhẽ, nhưng trời còn bắt tội khi một tai họa lớn ập đến: Đôi mắt cậu bé đang sáng bỗng đột nhiên không nhìn thấy gì nữa. Cũng từ đó, hằng ngày Ưu phải sống trong mù lòa và tăm tối. Dù gia cảnh nghèo nàn nhưng gia đình anh vẫn cố gắng chạy chữa thuốc thang mà vẫn không sao tìm ra được căn nguyên khiến đôi mắt anh bị mù.

Hạnh phúc của đôi vợ chồng chị Nguyễn Thị Hứng và anh Lê Văn Ưu
Dù chưa đủ lớn nhưng Ưu cũng đã biết mặc cảm, tự ti về bản thân. Với anh, Ưu xem mình là một gánh nặng cho gia đình, là người thừa của xã hội. Anh day dứt, dày vò và sống trong nỗi khổ tâm. Những tưởng bất hạnh với anh, với gia đình anh thế là quá đủ. Thế nhưng số phận đã đẩy cả đại gia đình ấy vào tình cảnh éo le, khi Ưu lên 10 tuổi thì người mẹ trẻ cũng bỏ mà đi do căn bệnh hiểm nghèo, để lại người cha với cảnh gà trống nuôi đàn con thơ dại. Các anh chị em của Ưu lần lượt xa nhà để kiếm sống. Kẻ đi ở, người đi làm thuê biền biệt không về chỉ còn lại người cha và Ưu nơi quê nhà. Anh Ưu kể lại: "Ngày đó tui mới 10 tuổi, cơm không có ăn, cha lại hay thường xuyên đau ốm. Không còn cách nào khác hằng ngày tui phải đi nhặt lá chè tại các phiên chợ ở các xã lân cận để kiếm lấy bát gạo sống qua ngày đoạn tháng".

Chăm sóc con mỗi khi rảnh rỗi.

Cũng từ đó, Ưu đã gắn mình với một cái nghề mới là đi nhặt lá chè ở chợ và ăn xin. Ai cho sắn thì lấy sắn, ai cho khoai thì lấy khoai. Cứ mỗi phiên chợ đến, cậu bé mù khắc khổ lại chống gậy lọ mọ, huơ huơ dò đường vượt hơn 10km đến các phiên chợ vùng quê nghèo của các xã lân cận như chợ Huyện ở Đồng Lộc, Chợ Lối xã Quang Lộc, chợ Cường xã Sơn Lộc. Cuối mỗi phiên chợ, số lá chè Ưu nhặt được đem đổi lấy những bơ gạo ít ỏi từ các bà bán nước để đem về nuôi cha. Rồi cứ thế cả hai cha con sống trong tình yêu thương đùm bọc của xóm làng.

Hơn 10 năm đi ăn xin, cậu bé ngày nào nay đã ở cái tuổi 20, lẽ ra ở cái tuổi ấy như bao thanh niên khác sẽ lấy vợ, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Nhưng với Ưu, cuộc đời là những chuỗi tháng ngày đẫm nước mắt. Anh không những không có lấy hạnh phúc mà bất hạnh quấn lấy, bám riết lấy không thể nào tuột khỏi khỏi được. Năm 25 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Ưu như không còn tin nổi vào tai mình khi hay người cha lại đột ngột qua đời. Anh như chết lặng người đi. Biết sống sao đây khi không còn những người thân cận, anh em đi xa không về, không tự lo nổi cho bản thân? Mỗi lần thốt lên những câu hỏi ấy Ưu lại quằn quại, dằn vặt đến đau đớn. Với anh, lúc này sống không bằng chết. Dù biết thế nhưng anh vẫn phải sống, phải gượng dậy sống như bản năng của một con người mà tạo hóa đã sinh ra. Càng trong hoàn cảnh éo le, bi đát nhất thì những bản năng ấy mới được bộc lộ để vượt qua hoàn cảnh.

Người đời thường bảo giàu hai con mắt khó đôi bàn tay. Mắt mù mƯu sinh đã khó huống chi nói đến chuyện làm giàu. Với anh Ưu cũng chẳng có thể chọn hay học lấy cho mình một công việc khác. Dù đã ở tuổi thanh niên nhưng hằng ngày người đàn ông ấy vẫn đều đặn bất kể ngày mưa hay ngày nắng có mặt tại các chợ phiên để sống nhờ vào lòng trắc ẩn của những tấm lòng từ bi. Khi tôi hỏi vui, hồi đó là thanh niên đẹp trai ngời ngợi đi xin mà không thấy ngại với con gái?. Anh Ưu cười bảo: "Túng quá hóa liều, mình bị mù thì ngại gì nữa chú. Thấy tui như thế này thì ai mà chẳng động lòng thương". Dường như ông trời không cho không mà cũng không lấy không của ai bất cứ thứ gì. Mấy mươi năm đi ăn xin ở các chợ cách nhà cả chục cây số một mình mà người đàn ông mù loà vẫn đi đúng nơi, về đúng chốn và không bị lạc đường hay va vấp gì.

Chuyện tình đẹp như cổ tích

Kể từ khi chỉ còn lại một mình Ưu, không họ hàng, anh em thân thích, cuộc sống của anh khó khăn hơn. Mọi sinh hoạt như nấu cơm hằng ngày đều nhờ sự giúp đỡ của những người hàng xóm. Những khi ngồi một mình lòng chợt mang nặng suy tư, ý nghĩ về một gia đình có vợ, con trong đầu Ưu lại lóe lên nhưng rồi chợt vụt tắt và tan biến mất khi nhìn về thực tại. Anh Ưu tâm sự thật thà: "Nói thật với chú, gia cảnh tui như thế này thì có ma nào thèm để ý". Không ai cấm chúng ta mơ ước, những điều không ai nghĩ đến, mơ ước đến đôi khi nó đến bất ngờ khiến những ai không muốn tin cũng phải tin vì đó là sự thật. Và những mơ ước nhỏ nhoi, dung dị của người đàn ông mù bấy lâu nay đã thành hiện thực. Một người con gái cùng quê cảm thương trước số phận bất hạnh của người đàn ông mù đã đem lòng yêu thương anh. Câu chuyện tình của họ mỗi khi nhắc đến khiến người đời cười ra nước mắt, được viết lên như một chuyện cổ tích thời hiện đại mà không dễ nào tìm thấy.

Những tháng ngày rong ruổi đến các phiên chợ để xin ăn và nhặt nhạnh những lá chè rơi vãi ở chợ, hình ảnh anh đã quá quen thuộc với nhiều người. Cũng như mọi khi, đến giờ quá trưa là Ưu lân la đến bên những cánh chị em bán chè để dốc hết bầu tâm sự. Khác với những phiên chợ khác, hôm nay chè ế ẩm không bán được, giữa chợ chỉ còn lại mấy người trong đó cũng có chị Hứng bây giờ là vợ anh Ưu cũng là người bán chè thường xuyên và thâm niên ở khu chợ Lối. Với Hứng, Ưu là người cùng xã, là đồng hương. Những phiên chợ tan hay khi về sớm, Hứng thường thi thoảng đợi chàng trai mù để chở anh trên chiếc xe đạp cọc cạch về nhà vì nhà Hứng gần nhà Ưu.

Lần đó cũng như mọi lần, những câu chuyện khôi hài, những tiếng cười rôm rả giữa Ưu và cánh bán chè kéo dài đến lúc tan chợ. Khi mọi người đã về hết cũng là lúc Hứng và Ưu cũng ra về. Chị Hứng ngại ngùng, e dè kể về cái duyên số khiến chị đến với Ưu và lấy Ưu làm chồng: "Trưa hôm đó bán không hết chè, Ưu bảo bán không hết thì mang về nấu nước tối đến anh sang và thưa chuyện với cha mẹ em. Không ngờ câu nói ấy lại thành sự thật". Bảo bối nào khiến người con gái đảm đang xinh xắn như chị Hứng lại xiêu lòng đến thế, anh Ưu cười, nét mặt rạng ngời niềm hạnh phúc hiện lên rõ: "Tui cũng không biết nữa, nếu tính thời gian bắt đầu cưa đổ nhà tui đến khi cưới vỏn vẹn mười ngày đó chú à!. Chú thấy tui tài không?".
Anh Ưu dành thời gian chăm sóc con những lúc rảnh rỗi
Đám cưới diễn ra không mâm cao cỗ đầy hay loa nhạc xập xình, mà chỉ có mấy chai rượu và khay trầu báo cáo với họ hàng và anh em làng xóm. Chị Hứng bảo, thấy thương anh ấy có hoàn ảnh éo le, bản thân lại có nghị lực sống, dù gia đình ngăn cấm, tui mà không thương anh ấy thì lấy ai thương cùng. Hạnh phúc là thế, hạnh phúc là thứ tình cảm dung dị chỉ họ, những con người yêu thương nhau mới cảm nhận được và chia sẻ được.

Từ ngày có chị Hứng, mọi sinh hoạt hằng ngày đã có người vợ trẻ thay Ưu gánh vác. Túp lều tranh vách đất được dựng lên để làm chỗ chui ra chui vào. Vì không làm được việc gì khác nên hằng ngày Ưu vẫn duy trì cái nghề bấy lâu nay. Người vợ trẻ ở nhà lo việc đồng áng. Bốn đứa con có nếp có tẻ lần lượt chào đời trong niềm vui khôn tả. Dù đói nghèo nhưng túp lều nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ. Họ vui vì tre già thì đã có măng mọc, những đứa con khỏe mạnh bình thường ấy rồi sẽ chăm sóc được người cha, người mẹ đã nuôi chúng lớn khôn. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn khi các con anh ngày một lớn, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng lúa mỗi năm hai vụ. Thế là người cha bất hạnh và đau khổ ấy dù đã đi bộ mòn hết cả hai bàn chân, không đủ sức bước tiếp nhưng vẫn phải cố để đi đến chợ ăn xin kiếm bát gạo về nuôi cả gia đình.

Khi sức ngày một yếu, mỗi bước chân đến chợ cách nhà cả chục cây số như thách thức người đàn ông ốm yếu và gầy còm này. Những lúc đó, bên cạnh lại có đứa con trai mới 8 tuổi dẫn bước cha già và nâng đỡ mỗi khi cha vấp ngã. Ngày nào may mắn thì cũng được dăm ba bát gạo. Để có cái ăn, chị Hứng ngày ngày quần quật ruộng nương, khi nông nhàn chị lại lên núi bứt chổi bán lấy tiền. Mấy đứa con ra đồng mò cua bắt ốc phụ giúp mẹ. Rồi đây không biết khi người cha kiệt sức thì tương lai, cuộc sống của những đứa con thơ dại sẽ ra sao. ôm đứa con nhỏ vào lòng, hai khóe mắt đục mờ, sâu hoắm của anh Ưu nhìn ra một khoảng trời xa xăm vô định.

Cần lắm những tấm lòng

Suốt từ sáng đến trưa, khi đồng hồ đã chỉ đến con số 12 nhưng người đàn ông mù vẫn ôm đứa con nhỏ đang khóc nức nở nằm đong đưa trên chiếc võng. Anh Ưu phân trần thằng nhỏ đói bụng nên khóc đó, từ sáng đến giờ chưa có cái gì vào bụng. Sao đến trưa rồi mà không ai về nấu cơm, chúng tôi hỏi? Anh Ưu đáp, hết gạo rồi lấy gì để nấu nữa, mấy hôm nay tui ốm nên không đi xin được. Hơn 30 phút sau thấy chị Hứng xách một túi bóng gạo mang về, đó là công sức của một ngày chị cùng với đứa con gái đi hái sim trên đồi rồi mang ra chợ bán để mua gạo. Nhìn mấy đứa con nheo nhóc tôi buột miệng, sao nhà nghèo mà lại sinh nhiều con thế, biết lấy gì cho chúng nó ăn?. Chị ngập ngừng một lúc: "Tui cũng biết mình vỡ kế hoạch đó. Lần này thì quyết không đẻ thêm nữa thật".

(Theo Đời sống và pháp luật)