- Hơn 7.883.000 đồng là số tiền của bạn đọc thông qua báo VietNamNet gửi giúp hoàn cảnh thương tâm của gia đình chị Trương Thị Nin, người mẹ của những đứa con tật nguyền đêm đêm khản giọng gọi “Mẹ ơi, con đau, con đói lắm...”

Tin liên quan:


Sáng hôm qua (28-12) P.V VietNamNet đã tìm về thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để trao trực tiếp số tiền của bạn đọc hơn 7.883.000 đồng giúp đỡ gia đình chị Trương Thị Nin có 4 con nhỏ bị nhiễm chất độc da cam.

 
P.V VietnamNet trao tiền của bạn đọc cho chị Nin

Đây là số tiền mà bạn đọc gửi về báo VietNamnet nhờ chuyển giúp chị Nin để chăm sóc 4 đứa con bị nhiễm chất độc da cam đang sống vật vạ trong cảnh khốn cùng.

Không khó khăn khốn cùng sao được khi cả hai vợ chồng cùng 4 đứa con tật nguyền do di chứng da cam nằm một chỗ quằn quại trong đau đớn và thiếu cái ăn hàng ngày. Cả 7 con người trong gia đình bất hạnh ấy sống dựa vào 1 sào ruộng (500 m2) ở nơi miền bán sơn địa này, lại nằm sát đầu nguồn sông Vu Gia, ruộng đất không có, mỗi năm lại đối mặt với những trận lũ quét  kinh hoàng.

Trong căn nhà, mà nói đúng hơn là nơi che mưa che nắng cho 7 con người thì đã có 4 đứa trẻ con của vợ chồng chị Nin tật nguyền cùng người mẹ già nua nằm một chỗ.

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam từ những năm 1979, sau hơn 6 năm trời vào sinh ra tử, anh Đỗ Văn Trung xuất ngũ trở về địa phương và xây dựng gia đình với chị Trương Thị Nin.

Anh Trung bảo không biết mình nhiễm chất độc da cam lúc nào, anh chỉ biết khi lần lượt sinh ra 4 đứa con trai thì đứa lớn nhất đã nằm một chỗ từ 10 năm nay, đứa thứ 2, thứ 3 giờ ngồi một chỗ, đứa út đi lại rất khó khăn và đang có nguy cơ không đi lại được.

Căn bệnh quái ác hành hạ những đứa con suốt mấy chục năm nay, khi anh bán tát cả gia sản đưa con đi bệnh viện điều trị, lúc đó anh chị mới hay cả 4 đứa đều nhiễm chất độc da cam.

Đưa con trở về và chấp nhận cuộc sống trong nổi đau. Chị ở nhà chăn nuôi và lo 1 sào ruộng. Còn anh bắt đầu hành trình đi làm thuê kiếm tiền mua gạo, mua thuốc giảm đau cho con.

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn và sự sống nơi gia đình này cứ thế âm thầm trôi qua trong tiếng khóc gào hàng đêm của lũ trẻ.

“Đi làm thuê mỗi ngày được trả 80.000 đồng, tui giành mua gạo và thuốc giảm đau. Những hôm trời mưa lụt, không đi làm được nằm nhà nghe mấy đứa trẻ khóc đòi ăn mà tui đứt từng khúc ruột...” Anh Trung kể trong nước mắt.

 
Chị Nin đang trông nom em Nguyên và em Đức
Tìm đến nhà chị Nin để trực tiếp trao số tiền của bạn đọc gửi giúp, tận mắt tôi đã chứng kiến nỗi đau khốn cùng của hai vợ chồng chị Nin. Chị bảo: Khổ bao nhiêu cũng chịu được, nhưng dằn vặt về tinh thần cùng những tiếng khóc la hàng đêm của lũ nhỏ chị không thể nào chịu nổi.

Nước mắt hàng đêm cứ lăn dài trên gương mặt quắt queo của người đàn bà 45 tuổi Trương Thị Nin, bởi tiếng khóc gào của đàn con. “mẹ ơi, con đau lắm, mẹ ơi con đói lắm...” cùng những tiếng chân quẩy đạp vào chiếc gường ọp ẹp như những mũi kim đâm thẳng vào lòng người mẹ.

Trong nước mắt, chị Nin xin chuyển lời cảm ơn những tấm lòng nhân hậu đã chia sẻ những khó khăn với gia đình chị.

Giọng run run, chị Nin chìa đôi tay khẳng khiu nhận số tiền của bạn đọc gửi giúp, nước mắt nhòe trên gương mặt khắc khổ. “Đây là lần đầu tiên tui nhận được số tiền lớn như ri. Mừng quá tui chẳng biết nói gì. Tiền nhiều quá anh ạ, mấy chục năm ni hai vợ chồng có bao giờ cầm được tiền triệu trên tay đâu...” Chị Nin nói trong nước mắt.

Khi đã lấy lại bình tỉnh, chị Nin hỏi tôi rằng: “Tui mơ hay thực đây anh hè?” Tôi chỉ biết lắc đầu và nói với chị rằng đây không phải là mơ mà là thật chị ạ. Bất chợt chị áp chiếc phong bì tiền của bạn đọc vào ngực mình và thổn thức. “Anh cho tui cúi đầu cảm tạ những tấm lòng nhân hậu đã giúp vợ chồng và những đứa con tật nguyền của tui trong lúc khốn khó này...”-Chị Nin nói trong nước mắt.

Chị bảo với tôi rằng: Với số tiền này, chị sẽ giành hơn 2/3 mua một con bò nhỏ để nuôi. Số còn lại sẽ mua gạo, mắm muối và thuốc giảm đau cho 4 đứa con da cam đón tết.


Em Nguyên (áo trắng) và em Đức (áo xanh) đang trông đợi những điều kỳ diệu

Nghe chị nói vậy, tôi chỉ biết quay mặt đi nơi khác mặc cho nước mắt chảy dài. Lời kể của chị rằng đã suốt mấy chục năm nay gia đình chị không hề biết tết và không hề biết đến bữa cơm có thịt cá.

Cầm tay tôi, chị bảo rằng hãy nói với những tấm lòng hảo tâm cho phép chị được trích 100 nghìn đồng mua một cân thịt mở, nấu một bữa com mừng để cho người chồng và 4 đứa con ăn một bữa cho biết mùi thịt...

Tôi không biết nói gì hơn, chỉ cúi đầu chào chị và những đứa con nằm bất động cùng người mẹ già, vội vàng rời thôn Hà Dục Đông mà trong lòng tự hỏi trên đất nước này có bao nhiêu nổi đau tận cùng như vậy...?

  • Vũ Trung