- Sinh ra 4 đứa con trai thì đứa lớn nhất đã nằm một chỗ từ 10 năm nay, đứa thứ 3 giờ ngồi một chỗ, đứa út đi lại rất khó khăn và đang có nguy cơ không đi lại được. Chồng đi làm thuê, vợ cả ngày, cả đêm phải ở nhà chăm lo cho các con tàn tật. Đó là hoàn cảnh hết sức thương tâm của gia đình vợ chồng chị Trương Thị Nin và anh Đỗ Văn Trung ở thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

TIN BÀI KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC:

Thắt lòng nhìn 3 con nhỏ tật nguyền

Về thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ai cũng xót xa cho cảnh nhà chị Nin. Vốn xuất thân từ những nông dân nghèo, hai anh chị đến với nhau và mong có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Riêng anh Đỗ Văn Trung đã từng có thời gian tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Tây Nam những năm tổ quốc kêu gọi thanh niên lên đường giữ gìn biên ải. Nhưng rồi, sự đời éo le cợt đùa trước sự cố gắng hết sức của hai anh chị.

Em Nguyên (áo trắng) và em Đức (áo xanh) đang trông đợi những điều kỳ diệu
Em Đỗ Văn Nguyên, năm nay 19 tuổi, con đầu của hai anh chị sinh ra đi đứng cũng bình thường như bao người khác. Nhưng dần dần, hai chân em sưng phù to lên, đi lại rất khó khăn. Tiếp đó là giai đoạn co rút cả tứ chi, chân tay em cứ nhỏ dần, mất dần khả năng cử động. Lo sợ tương lai của con trai mình, hai vợ chồng chị Nin đã đưa em Nguyên ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khám và phẫu thuật nhưng không thành công. Kết quả giám định của bác sĩ ở đây cho biết em Nguyên bị bệnh loãng cơ, một di chứng của chất độc màu da cam. Bác sỹ còn khuyên anh chị nên đem con về, chăm sóc cháu được ngày nào hay ngày ấy. Rồi từ đó đến giờ, gần 10 năm, em Nguyên nằm một chỗ nơi góc nhà, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự hỗ trợ của người thân.

Đến lượt em Đỗ Văn Đức, con trai thứ 3 của vợ chồng chị Nin cũng bị bệnh giống như anh trai ruột của mình. Cách đây 5 năm, em Đức đã không đi lại được. Giờ em đang ngồi một chỗ, các hoạt động chân tay cũng càng ngày càng yếu dần. Khả năng rất cao là trong vài năm tới cũng sẽ nằm một chỗ như em Nguyên.

Còn em Đỗ Văn Tài, con út của chị Nin, năm nay học lớp 3, vẫn còn đi lại được nhưng rất yếu. Em đi học đều phải có người đưa đón đến trường.

Riêng người con mạnh khỏe nhất của hai anh chị là em Đỗ Văn Nhân, năm nay học lớp 9. Em vẫn chưa có biểu hiện bệnh tật gì giống như các anh em của mình nhưng cơ thể ốm yếu hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.

Con muốn chết đi sớm ngày nào hay ngày ấy...

Hiện tại, anh Đỗ Văn Trung phải đi làm thuê để nuôi cả gia đình. Chị Nin phải chăm lo cho những đứa con tật nguyền của mình từng giây, từng phút. Căn bệnh quái ác đã và đang hành hạ cơ thể các con chị từng ngày. Nhất là ban đêm, các em không ngủ được vì các khớp xương trong cả cơ thể đều đau nhức. Cả đêm các em khản giọng gọi “mẹ ơi!”. Vậy là chị phải từng đêm thức cùng con, chia sẻ với nỗi đau của những khúc ruột mình cắt ra.
Chị Nin đang trông nom em Nguyên và em Đức
Ngồi với chị Nin đang đỏ hoe đôi mắt kể về hoàn cảnh gia đình mình, càng thấy xót xa hơn cho những phận người đau thương bởi những gì oan nghiệt còn sót lại của chiến tranh. Chị bảo: “ Chừ hai vợ chồng mạnh khỏe thì chia nhau trông con và đi làm chứ ít năm nữa về già, ba đứa con đều nằm một chỗ thế này thì không biết làm răng. Mà đâu phải vợ chồng tui lúc nào cũng khỏe. Chỉ biết đêm ngày cầu trời khấn Phật mà thôi. Đừng để thằng Út lại bị nặng như 2 thằng anh hắn!”. Câu nói chưa hết, hai dòng nước mắt chị Nin đã trào ra trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác bởi nhiều năm tháng thức trắng vì con.

Em Nguyên trong nỗi đau và sự tuyệt vọng tột cùng
Đau lòng nhất vẫn là lời của em Đỗ Văn Nguyên trước lúc tôi ra về: “Con nằm đây cả cơ thể đau nhức, không có ích lợi gì mà chỉ làm ba mẹ thêm gánh nặng. Ba mẹ còn phải lo cho các em con nữa. Nhà con khổ quá chú ơi! Con muốn chết đi sớm ngày nào hay ngày ấy...”. Nghe những lời của một thanh niên 18 tuổi đang nằm co quắp ở góc nhà như vậy, tôi không khỏi mủi lòng. Còn gì là mong ước cho em?

Theo ông Phan Thanh An, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam xã Đại Lãnh thì gia đình chị Nin, anh Trung là một trong những gia đình có hoàn cảnh thương tâm nhất của xã hiện nay. Mặc dù Nhà nước và chính quyền địa phương đều quan tâm giúp đỡ nhưng cũng có hạn vì xã Đại Lãnh cũng như huyện Đại Lộc còn nghèo và còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.
 
Hoàn cảnh của gia đình chị Nin với những đứa con tật nguyền của mình rất cần sự sẻ chia, tương trợ từ cộng đồng để duy trì và vượt qua những ngày sắp tới.

 Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Trương Thị Nin, thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam

2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ gia đình chị Trương Thị Nin)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 04.37722729

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn

Nguyễn Thành Giang