-  Sau khi đọc bài “Lãi suất  25%: Có gì đáng ngại?”, bài “Giảm lãi suất cho vay, món nợ của Ngân hàng nhà nước” , bài “Ngân hàng trì hoãn giảm  lãi suất cho vay”, nhiều bạn đọc đã  gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)
Nếu Thống đốc làm giám đốc kinh doanh…

Email dembamuoi@ymail.com khen bài viết: “Hay, phản ánh đúng thực tế suy nghĩ của người lao động, của doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Thích nhất vietnamnet.vn là những bài viết với ý nghĩa như vậy.”

Email tungfv@gmail.com đặt câu hỏi: “Có lẽ ông Thống đốc Bình chưa bao giờ làm kinh doanh nên mới phát biểu “Lãi suất 25%: Có gì đáng ngại?”

Chia sẻ với ý kiến trên, email leanh@gmail.com viết: “Ông Thống đốc NHNN nếu về làm Giám đốc các Công ty kinh doanh thì mới nếm mùi doanh nghiệp phải thế nào mới kiếm ra được 1 đồng lợi nhuận. NHNN vẫn còn nợ lời hứa với doanh nghiệp là sẽ giảm lãi suất cho vay. Vậy mà tiếp tục phát biểu “Lãi suất  25%: Có gì đáng ngại” thật không có tính thuyết phục trước các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và tình hình kinh tế nước ta hiện nay.”

Cùng quan điểm, email quocviet.generator@gmail.co nêu ý kiến: “Xin hỏi lợi nhuận trung bình trong năm của một doanh nghiệp ở Việt Nam mình là bao nhiêu % mà bảo ‘lãi suất 25% là có gì đáng ngại’ trong khi nền kinh tế khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp đang cần vốn để tiếp tục sản xuất.”

Email danden@yahoo.com phụ họa: “...Nếu DN có tình hình tài chính lành mạnh thì lãi suất ngân hàng lên đến 25% vẫn không có vấn đề gì đáng ngại...’ Xin thưa, nếu sản xuất tốt thì lời được 10% là cùng. Nói như ông  thì đừng doanh nghiệp nào sản xuất nữa, nếu có tiền cứ đem gửi ngân hàng lấy lãi cũng đủ sống khỏe! Chẳng trách hàng Việt Nam giá cao quá, khó xuất khẩu.

Đây là những phân tích của email chutrungkien@arcor.de: “Lãi xuất 25% mà bảo không có gì đáng ngại? Xin thưa: Lãi suất cao => Số doanh nghiệp giảm, cắt bỏ danh mục đầu tư => Thất nghiệp tăng cao => Sức mua giảm => Doanh nghiệp lại tiếp tục cắt giảm sản xuất vì dân không có tiền để mua => Lại thất nghiệp thêm => Dân lại càng ít tiền mua hơn => Lại... lại... => Nguy cơ lớn với hệ thống ngân hàng vì nợ xấu không thu hồi được.”

Bạn đọc Vũ Minh Thành ‘căn vặn’: “Nói như bác, doanh nghiệp có tài chính mạnh thì  việc gì còn phải đi vay vốn ngân hàng? Ai làm doanh nghiệp cũng có sẵn tiền chắc?”

Với giọng than thở, email leanh@gmail.com viết: “Qua phản ánh trên thông tin đại chúng, những hình ảnh mâu thuẫn với nhau như: Các ngân hàng thương mại nhận tiền lương, tiền thưỏng Tết cao ngất ngưởng, thì các cán bộ, công nhân của các công ty, các Khu công nghiệp trên toàn quốc đang chắt chiu từng đồng để vật lộn với tình hình kinh tế hiện nay, không có tiền mua sắm cho con thậm chí không có tiền về thăm gia đình trong dịp Tết. Đây cũng là trách nhiệm không nhỏ của Ngân hàng nhà nước về điều hành lãi suất đối với nền kinh tế trong lúc khó khăn.”

Lãi suất vẫn  cao thì doanh nghiệp nào dám thưởng Tết nhiều cho nhân viên? Ngân hàng bị sự cố thì Nhà nước hỗ trợ, nay họ chả giúp lại Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Làm thế là không công bằng”, đó là ý kiến của email nguyenhatran85@gmail.com.

Email huyphu1981@yahoo.com cũng tán đồng: “Tôi rất nhất trí với nội dung trên! Rõ ràng có chút lợi ích nhóm trong đó. Ngân hàng lãi khủng nhưng chia sẻ lợi ích cho Quốc gia, Dân tộc được bao nhiêu phần trăm? Cho vay trong nông nghiệp nông thôn thấp xa so với cho vay bất động sản, vậy có bao nhiêu dân nông thôn được vay? Tiền của mấy ngân hàng chủ yếu phục vụ mấy đại gia (chiếm 1% dân số) lướt sóng bất động sản, giờ BĐS vỡ bong bóng chắc ngân hàng cố gỡ lại?

Với giọng lo lắng, email maianhsg@yahoo.com viết: “Nếu cứ đà này thì năm 2012 số doanh nghiệp phá sản chắc chắn nhiều hơn năm 2011. Lúc đó thì bức tranh kinh tế nước ta sẽ ra sao?”

Lạm phát - lãi suất vay ngân hàng, quan hệ nhân quả?

Email nguyenhuuloc1967@gmail.com viết: “Lãi suất 25%: Có gì đáng ngại”, phát biểu này có thể đưa vào ‘câu nói hay nhất đầu năm 2012’. Lạm phát và lãi suất cho vay của ngân hàng là quan hệ nhân quả và hỗ tương cho nhau. Nếu quan điểm của Thống đốc như vậy chắc chắn chúng ta sẽ được ‘hưởng’ mức lạm phát năm 2012 không thể ở mức… 1 con số!”

Ý kiến của email tin_hoc_112@yahoo.com.vn thể hiện bằng những câu hỏi: “Tại sao NHNN làm đủ mọi cách để giữ trần lãi suất tiền gửi thấp nhưng lại để trần lãi suất cho vay cao? Chẳng lẽ các ngân hàng thích khủng hoảng kinh tế hơn là kinh tế phát triển? Vì khi kinh tế khủng hoảng, ngân hàng làm ít mà vẫn cứ lãi nhiều hơn là khi kinh tế tăng trưởng?”

Với giọng trăn trở, email tungiang80@yahoo.com viết: “Đến bao giờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được đối xử công bằng về phương diện tài chính cũng như chính sách?  Hãy nghĩ về đất nước, về người dân, đừng ‘lợi ích nhóm’ nữa.”

Email tranvanson89@gmail.com đề xuất: “Hoàn toàn có thể dùng biện pháp hành chính để xử lý giảm lãi suất cho vay trên cơ sở hợp lý. Với lãi suất huy động tối đa là 14%/năm, thì hoàn toàn có thể khống chế lãi suất trần cho vay ở mức 17%/năm. Đi kèm với đó là chế tài đủ mạnh (thậm chí rút giấy phép đối với ngân hàng vi phạm). Tôi tin rằng sẽ không còn hiện tượng lách luật hay cố tình vi phạm trong việc huy động vốn và cho vay vốn. Nền kinh tế của chúng ta gặp khó khăn. Hãy đặt quyền lợi của Dân tộc, của Đất nước lên trên quyền lợi nhóm.”

Ý kiến của email vanthai1959@gmail.com: “Tôi đồng tình cao với bài viết của tác giả Viết Lê Quân. Thiết nghĩ Thống đốc NHNN với trách nhiệm của mình cần sớm minh bạch, công khai các nội dung sau: Tại sao NHNN lại không thể áp trần lãi suất cho vay như đã từng áp trần đối với lãi suất huy động? Tại sao một ngành hoạt động đặc thù (quản lý, kinh doanh 100% tiền, tài sản của nhà nước - của nhân dân) thu được lợi nhuận lại chia lương, thưởng cho nhau cao ngất ngưởng, cao hơn cả lương của Chủ tịch nước hàng chục lần, trong khi trên 10% số doanh nghiệp phá sản, hàng vạn công nhân thất nghiệp?”

Email quangabc123@gmail.com nêu những ‘thắc mắc’ ở phạm vi rộng hơn: “Lạm phát cao, lãi suất 18 % tiền gửi cũng hợp lý, cớ sao lại sử dụng mệnh lệnh hành chính để ép người gửi tiền có 14%? Còn nữa, chính các vị ngân hàng tài giỏi, kể cả ngân hàng quốc doanh ra thị trường tài chính quốc tế vay bằng USD cũng phải chi lãi suất  8-11%, nay lại chi dưới 3% cho người gửi ngoại tệ trong nước với lập luận là “chống đô- la hóa”. Thế mới biết kinh tế thị trường nước ta còn bao cấp quá.

Việc độc quyền hóa thị trường vàng miếng chưa thể lường hết hậu quả cho nền kinh tế, khi 1 số lượng vốn nằm trong dân nay bị dồn ứ, không lưu thông được. Người ta có thể thế chấp ô tô, xe máy, nhà cửa, đất, thậm chí gia súc, máy kéo… nhưng  với vàng thì không. Đối xử với 1 tài sản quý được đánh giá bậc nhất như vậy đó! Từ nay đến lúc NHNN hoàn chỉnh được quy chế sử dụng vàng trong lãnh thổ Việt Nam (1 khoảng thời gian không biết bao lâu), rất nhiều hoạt động kinh tế bị đứt đoạn và đình trệ.Thật thiệt hại! Sau ngày Quy chế ra đời liệu liệu có thực sự phát huy hiệu quả hay không? Cái đó vẫn là câu hỏi lớn.”

Email tranthanhdungct@gmail.com đề xuất: “Đã đến lúc phải khống chế lãi suất đầu ra theo lộ trình bắt đầu từ 18% rồi cứ 6 tháng hay 12 tháng lại giảm tiếp bao nhiêu nữa. Còn lãi đầu vào thì  tuỳ theo ‘sức khoẻ’ của của mỗi ngân hàng. Điều này cũng sẽ làm thay đổi suy nghĩ của mọi người là không phải cứ ngân hàng lớn là tốt, là bền vững… Tiền sẽ không dồn về ngân hàng lớn (theo tâm lý- là điều không đáng có), rồi ngân hàng nhỏ phải vay của NH lớn với lãi suất cao, đẩy lãi suất đầu ra càng cao.  Mục tiêu của ta là giảm lãi suất đầu ra chứ không phải giảm đầu vào rồi hi vọng đầu ra giảm.”

Tôi thấy Ngân hàng nhà nước cần kiên quyết và kỷ cương nghiêm minh, quản lý chặt giá trị đồng tiền và lãi suất ngân hàng hợp lý. Nếu không, các ngân hàng thương mại luôn chỉ nhằm mục đích hưởng lợi từ sự chênh lệch lãi xuất tiền gửi và cho vay, dân hoang mang chẳng biết đâu mà lần”, đó là ý kiến của email haiduong201217@yahoo.com.vn.

Ban Bạn đọc